Vì lý do đó, trong nhiều năm, người Mỹ đã tìm cách triệt hạ dàn F-14 của Iran.

Căng thẳng leo thang nhanh chóng ở Vịnh Ba Tư sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận quốc tế năm 2015 hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Washington cho rằng, các đặc vụ của Tehran liên quan một số vụ tấn công mùa hè năm 2019 nhằm vào các tàu dân sự gần Iran. Hải quân Mỹ đã cử tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng nhóm tác chiến tới khu vực. Không lực Mỹ triển khai các pháo đài bay B-52 cùng các chiến cơ tàng hình F-35 và F-22.

{keywords}
Ảnh: Creative Commons

Nếu chiến tranh nổ ra, các lực lượng Mỹ nhiều khả năng sẽ bảo vệ không phận Vùng Vịnh bằng cách phá hủy hoặc áp đảo sức mạnh không quân của Iran.

Không quân Iran và cánh không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hiện đang nắm trong tay tổng cộng 700 máy bay. Dàn F-14 cổ điển từ thập niên 1970 của Iran có thể sẽ là mục tiêu đầu tiên của Mỹ.

Theo một cuộc khảo sát của Flight Global, không quân Iran năm 2019 vận hành khoảng 24 chiếc F-14 Tomcat trong tổng số 79 chiến cơ cánh xoay do Grumman chế tạo mà Iran đã mua giữa thập niên 1970 trước Cách mạng Hồi giáo.

Hải quân Mỹ đã cho nghỉ hưu chiếc Tomcat cuối cùng năm 2006. Tuy nhiên, nhờ tầm hoạt động xa và radar uy lực, F-14 vẫn là một trong những chiến cơ uy lực nhất thế giới. Vì lý do đó, trong nhiều năm, Mỹ đã cố gắng vô hiệu hóa dàn F-14 của Iran.

Theo National Interest, 68 chiếc F-14 của Iran đã "sống sót" sau khi cuộc chiến Iraq – Iran kết thúc năm 1988. Cấm vận mà Mỹ áp đặt sau cuộc cách mạng năm 1979 khiến Iran không thể mua được các bộ phận thay thế cho các chiến cơ hạng nặng.

Tehran đã thiết lập các chương trình tự lực – không chỉ trong không quân mà cả mọi lĩnh vực kinh tế - trong nỗ lực đáp ứng được các nhu cầu vật chất từng do các công ty nước ngoài cung cấp. Trong nhiều lĩnh vực, chủ trương tự lực tự cường phát huy hiệu quả. Ngoài khai thác dầu lửa, Iran tuyên bố làm chủ nông nghiệp, sản xuất thép, sản xuất điện và hàng không dân sự.

Nhưng các công ty Iran phải chật vật để sản xuất các bộ phận đặc biệt của Tomcat. Tehran bèn tìm đến chợ đen, trả các khoản tiền lớn cho trung gian để nhập về các bộ phận này.

Các nhà chức trách Mỹ biết được hoạt động ngầm đó vào năm 1998. Trong tháng 3 cùng năm, các điệp vụ liên bang đã bắt giữ Parviz Lavi người Iran tại nhà riêng ở Long Island, buộc tội ông này vi phạm luật xuất khẩu Mỹ khi cố gắng thu gom các bộ phận thay thế cho động cơ TF-30 của F-14 và chuyển chúng tới Iran qua đường Hà Lan. Lavi nhận án 5 năm tù và nộp phạt 125.000USD. Thêm các vụ bắt giữ được thực hiện sau đó liên quan đến hoạt động này.

Kể cả khi các nhà chức trách triệt phá hoạt động buôn bán lậu các bộ phận F-14, Iran vẫn rất kiên trì. Vào năm 2005, một công ty – được cho là của người Iran – được phát hiện mua cùng các bộ phận này từ quân đội Mỹ.

Cuộc chiến liên quan việc thu mua phụ tùng F-14 càng leo thang sau khi quân đội Mỹ cho nghỉ hưu những chiếc F-14 cuối cùng vào năm 2006, khiến Iran là nước duy nhất còn sử dụng loại này. Năm 2007, các điệp vụ Mỹ đã tịch thu 4 chiếc F-14 của Hải quân Mỹ còn nguyên vẹn ở California – ba trong bảo tàng và 1 thuộc về một nhà sản xuất trên chương trình truyền hình chủ đề quân sự JAG. Lý do là những chiếc F-14 này không được tháo dỡ các bộ phận quan trọng mà có thể sẽ rơi vào tay Iran.

Quốc hội Mỹ rất tức giận với Lầu Năm Góc vì đã xử lý lỏng lẻo vấn đề phụ tùng F-14. Nghị sĩ Christopher Shays, đảng Cộng hòa bang Connecticut, miêu tả đây là một sự vi phạm lớn. Các nhà lập pháp đã thông qua một dự luật cấm buôn bán mọi bộ phận của Tomcat cho Iran hoặc bất kỳ thực thể nào khác. Và Tổng thống Mỹ George W. Bush khi đó đã ký thành luật vào năm 2008.

Một thảm kịch nhỏ đã xảy ra khi quân đội trả tiền cho các nhà thầu để tháo dỡ, nghiền vụn và xé nát nhiều trong tổng số khoảng 150 chiếc F-14 đã nghỉ hưu. Nhiều chiếc F-14 cũ – đã "phi quân sự hóa" – hiện vẫn đang được trưng bày trong các bảo tàng trên khắp nước Mỹ. Nhưng không còn chiếc nào ở boneyard ở Arizona, nơi Lầu Năm Góc cất giữ những chiếc máy bay đã nghỉ hưsu trong trường hợp cần đến chúng lần nữa.

Kể cả khi đó, việc thu mua ngầm các bộ phận Tomcat vẫn tiếp tục, với nhiều công ty tìm kiếm khắp thế giới cho các bộ phận còn sót lại. Đầu năm 2014, Bộ An ninh Nội địa Mỹ điều tra các đại lý vũ khí của Israel mà bộ này cho rằng đã 2 lần cố gắng bán các phụ tùng F-14 cho Iran.

Vào cuối năm 2016, một chuyên gia hàng không từ Dallas tên là Erik Johnston, một đại diện của Bảo tàng Hàng không Fort Worth và một nhân viên đường sắt Union Pacific phát hiện 2 chiếc F-14 cũ trên đất tư ở Temple, Texas. Theo báo Houston Chronicle, những chiếc F-14 bằng cách nào đó đã bị bỏ ở Temple vào cuối những năm 1980 sau khi chính phủ thuê một nhà thầu tháo dỡ chúng.

Phát hiện này thật đáng ngờ. Johnson cho biết, ông thấy sốc vì Chính phủ Mỹ đã không hề hay biết đến cặp chiến cơ lâu như vậy, nhất là khi Iran đang rất quan tâm đến loại này. "Điều thách thức chúng tôi là tại sao những chiếc F-14 lại có ở đó", Johnston trầm ngâm nói.

Thanh Hảo