Những đồn đoán về việc Nga sử dụng hệ thống phòng không S-500 để bắn hạ một vệ tinh cũ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với loại vũ khí này. Trước đó, các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn liệu S-500 có thực sự tồn tại hay không.

Hệ thống S-500 có gì mới?

S-500 đại diện cho thế hệ hệ thống phòng không đầu tiên có khả năng tấn công các mục tiêu ở quỹ đạo thấp. Các mục tiêu này bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo thế hệ mới, máy bay. Ngoài ra, nó cũng có khả năng tiêu diệt vũ khí siêu thanh và vệ tinh trên vũ trụ ở quỹ đạo này.

{keywords}
Tổ hợp phòng không S-500 của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Theo một số thông tin được tiết lộ, S-500 có thể nhắm trúng mục tiêu cách 600km, xa hơn 200km so với hệ thống phòng không S-400 và có khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không hơn S-400. Hiện tại, quân đội Nga đã tiếp nhận hệ thống phòng không S-500 đầu tiên và bàn giao cho đơn vị số 15 của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga. 

Tuy nhiên, ông Viktor Murakhovsky - một đại tá đã nghỉ hưu, hiện là nhà phân tích quân sự kiêm Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva (Nga) cho rằng, hệ thống phòng không này vẫn chưa sẵn sàng đi vào hoạt động. “Đây là phiên bản thí điểm của S-500 được bàn giao cho quân đội để tiến hành các hoạt động thử nghiệm. Phiên bản này không có những tính năng và đặc tính kỹ thuật cần thiết mà một đơn vị phòng không thế hệ mới yêu cầu”.

Theo ông Viktor Murakhovsky, với việc bàn giao cho quân đội hệ thống vũ khí thí điểm, nhà sản xuất có thể khắc phục những lỗi nhỏ nhất xuất hiện trong quá trình thử nghiệm và từng bước hoàn thiện hệ thống. Song song với quá trình này, quân đội sẽ huấn luyện và đào tạo các kíp lái điều khiển hệ thống mới.

Ông Viktor Murakhovsky cho biết: “Vào năm 2022, quá trình này sẽ hoàn thành và hệ thống S-500 hoàn chỉnh đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội. Việc bàn giao hàng loạt dự kiến được tiến hành vào năm 2024”.

Những khách hàng tiềm năng của S-500

Ấn Độ, Trung Quốc và một số đối tác khác của Nga có thể sớm trở thành những khách hàng đầu tiên mua hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới S-500. Điều này đã được ông Dmitry Shugaev, Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự của Nga (FSMTC), công bố vào đầu tháng 11/2021. Các chuyên gia quân sự cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, cũng nằm trong danh sách khách hàng tiềm năng.

“Hệ thống S-500 nhiều khả năng sẽ được cung cấp cho Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ - những nước đang sử dụng tổ hợp S-400 của Nga và mong muốn sở hữu S-500 để tăng cường năng lực phòng không cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa”, Artem Kosorukov, nhà phân tích chính trị của Đại học Tổng hợp Lomonosov tại Moscow nhận định.

Ông Artem Kosorukov lưu ý, lợi thế quan trọng nhất của S-500 là sở hữu radar phát hiện mục tiêu tầm xa và khả năng phòng thủ tên lửa ưu việt, phát hiện và tiêu diệt không chỉ máy bay ném bom tàng hình B-2, tiêm kích F-22, F-35 mà còn cả tên lửa đạn đạo hoạt động ở quỹ đạo thấp, tên lửa hành trình siêu thanh, máy bay không người lái (UAV).

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc xuất khẩu S-500 sẽ chỉ bắt đầu khi quân đội Nga đã được trang bị đầy đủ các hệ thống phòng không S-500. Quá trình đó sẽ mất từ 7 đến 8 năm và phải đến năm 2028, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể ký hợp đồng mua S-500 của Nga.

Sự khác biệt giữa bản nội địa và bản xuất khẩu

Bộ Quốc phòng Nga không tiết lộ chính xác về sự khác biệt giữa phiên bản S-500 dùng trong nước và phiên bản dành cho xuất khẩu. Nhưng chuyên gia Vitaly Mankevich, Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga-châu Á (RASPP) dự đoán: “Phiên bản dành cho xuất khẩu sẽ khác với phiên bản dùng trong quân đội Nga, ở chỗ chúng không sử dụng những công nghệ được coi là bí mật nhà nước và bị cắt giảm một số chức năng. Nói cách khác, các kỹ sư của chúng tôi sẽ bảo vệ những thành tựu mới nhất của họ. Ngay cả khi khách hàng tháo rời từng ốc vít của S-500, họ cũng sẽ không phát hiện bất cứ điều gì mang tính đột phá”.

Ông Maxim Starchak - nhà nghiên cứu tại trung tâm chính sách quốc phòng và quốc tế tại Đại học Queens, Canada cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi cho rằng phiên bản xuất khẩu sẽ có radar với tầm quan sát hạn chế hơn.

“Quân đội Nga có thể muốn máy bay của họ luôn ở trạng thái tàng hình trước radar của phiên bản S-500 xuất khẩu. Chắc chắn sẽ có sự khác biệt giữa phiên bản nội địa và phiên bản xuất khẩu, nhưng điều đó sẽ được Bộ Quốc phòng Nga và các đối tác nước ngoài thảo luận”.

Xem thêm tin quân sự trên VietNamNet

Theo VOV

Bí ẩn hệ thống tên lửa phòng không S-550 của Nga

Bí ẩn hệ thống tên lửa phòng không S-550 của Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Nga đang phát triển hệ thống tên lửa tiên tiến S-550.