Lục quân

Lục quân Indonesia (Tentara Nasional Indonesia-Angkatan Darat/TNI-AD) với quân số trên 230.000, từ nhiều năm nay là quân chủng được cấp ngân sách nhiều nhất.

Lục quân Indonesia sẽ chuyển trọng tâm từ an ninh đối nội sang đối phó với chiến tranh, những thách thức chiến lược bên trong và “các hoạt động không phải là chiến tranh” như cứu trợ thiên tai, an ninh biên giới, bảo vệ các nguồn tài nguyên và các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh nội địa trước đây do Lục quân Indonesia đảm nhiệm, được chuyển giao cho Cảnh sát quốc gia Indonesia.

{keywords}
Binh sĩ Indonesia. Ảnh: Reuters

Sự thay đổi trọng tâm trên đòi hỏi phải thay đổi về cơ cấu lực lượng. Quân đội Indonesia đã thành lập Bộ Tư lệnh dự bị chiến lược TNI với 400.000 quân, chủ yếu là của lục quân; thành lập 3 bộ tư lệnh phòng thủ khu vực để tăng cường có mặt dọc biên giới với Malaysia, Papua New Guinea, khu vực phía tây đảo New Guinea và Aceh.

Về vũ khí trang bị, lực lượng tăng - thiết giáp của TNI-AD hiện chủ yếu gồm những xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 mua của Liên Xô trước đây và xe tăng hạng nhẹ AMX-13 của Pháp, gần đây đã được bổ sung một loạt xe thiết giáp bánh hơi Black FOX của Hàn Quốc và một số trực thăng 412 EP của hãng Bell, Mỹ.

Kế hoạch mua sắm tiếp theo là khoảng 100 xe tăng Leopard 2 do hãng Krauss-Maffei Wagmann, Đức chế tạo. Những ưu tiên mua sắm khác của TNI-AD bao gồm trực thăng, tên lửa đất đối không và giàn rocket nhiều nòng...

Hải quân

Hải quân Indonesia (Tentara Nasional Indonesia-Angkatan Laut/TNI-AL) được xây dựng theo hướng đa chức năng để bảo vệ hiệu quả lãnh hải rộng lớn của Indonesia, bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa trên các đường hàng hải này và nguồn tài nguyên phong phú dưới biển, chống cướp biển và những hành động xâm phạm khác.

Ngoài ra, hải quân còn thực hiện các nhiệm vụ khác như chống buôn lậu, cứu trợ thiên tai cũng như vận chuyển hải quân đánh bộ và các lực lượng của lục quân trên khắp các quần đảo của Indonesia.

TNI-AL đã thành lập mới 3 bộ chỉ huy chiến thuật: hạm đội phía Đông ở Surabaya, hạm đội phía Tây ở Jakarta và hạm đội Tây Papua; đồng thời, xây dựng đơn vị hải quân đánh bộ thứ ba. Việc thay đổi cơ cấu này sẽ giúp TNI-AL tăng thêm sức mạnh với biên chế vào khoảng 65.000 quân.

Về vũ khí trang bị, một thời gian dài TNI-AL gặp khó khăn vì nhiều tàu chiến đã sử dụng trên 50 năm, lại yếu kém về khả năng bảo dưỡng, sửa chữa. Theo tính toán, cần có trên 700 tàu chiến và trên 30 tàu ngầm mới đủ đảm bảo an ninh cho toàn bộ vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia.

Gần đây, TNI-AL đã mua và đưa vào hoạt động 3 tàu ngầm tiến công kiểu 209 của hãng DSME, Hàn Quốc và 1 chiếc tàu Frigat lớp SIGMA 10514 của Hà Lan. Đến năm 2024, TNI-AL sẽ đưa vào biên chế 8 tàu ngầm (kế hoạch ban đầu là 12 chiếc) diesel-điện lớp Chang-Bogo của Hàn Quốc. Khả năng trinh sát và tác chiến chống ngầm của TNI-AL cũng được tăng cường trong thời gian tới, khi lực lượng này nhận 3 máy bay tuần tra biển CN 235 do hãng PT Dirgantara của Indonesia chế tạo.

Không quân

Với quân số khoảng 24.000, Không quân Indonesia (Tentara Nasional Indonesia-Angkatan Udara TNI-AU) có nhiệm vụ chủ yếu là răn đe “hành động xâm lược” từ hướng Bắc Indonesia, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tế hậu cần giữa các đảo trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai.

Tuy nhiên, do TNI-AU là quân chủng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cấm vận quân sự do Mỹ áp đặt đối với Indonesia trong suốt những năm 1990 và những năm đầu thế kỷ 21, vì vậy, chỉ có 30% tổng số máy bay chiến đấu và máy bay vận tải của TNI-AU có khả năng sẵn sàng chiến đấu và làm các nhiệm vụ vận tải.

TNI-AU hiện có khoảng 80 chiếc máy bay chiến đấu gồm các kiểu F-16A/B và F-5E Tiger II, Su-27 và khoảng 70 máy bay vận tải, chủ yếu là C-130, CN-235, CN-212 và một số F-27. TNI-AU có một số khá lớn máy bay huấn luyện và thường phải sử dụng làm nhiệm vụ phòng không do thiếu máy bay tiêm kích.

Số máy bay đặt mua gần đây đã phần nào nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của TNI-AU, song quân chủng này vẫn cần đầu tư lớn hơn để nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu đặt ra trong kế hoạch trung hạn xây dựng quân đội Indonesia nói chung.

Mục tiêu của TNI-AU là đến năm 2030 phải có khoảng 180 máy bay chiến đấu Su-30 cùng nhiều trực thăng đa dụng, trực thăng vũ trang; tăng cường lực lượng máy bay tiêm kích thông qua chương trình hợp tác với Hàn Quốc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới dự kiến đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2021. Các chương trình mua sắm được tiến hành từng bước để phù hợp với ngân sách được cấp.

Tóm lại, Indonesia đang đẩy mạnh phát triển quân đội theo hướng xây dựng một lực lượng chiến đấu độc lập, hiện đại và hiệu quả cao để bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo, tương xứng với vị thế một nước lớn châu Á trong tương lai.

Nguyên Phong

Giới an ninh Ấn Độ quan ngại về vùng phi quân sự mới với Trung Quốc

Giới an ninh Ấn Độ quan ngại về vùng phi quân sự mới với Trung Quốc

Thỏa thuận thiết lập các khu vực phi quân sự mới dọc theo biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya đã gây quan ngại đối với một số quan chức an ninh của New Delhi.

Video phòng không Syria chặn 'mưa tên lửa' từ Israel

Video phòng không Syria chặn 'mưa tên lửa' từ Israel

Truyền thông Syria đưa tin, các lực lượng nước này vừa đẩy lui màn tấn công tên lửa dồn dập nhắm vào thủ đô Damascus chỉ 3 ngày sau khi Mỹ tiến hành không kích lãnh thổ Syria.