Đầu tháng 6/1940, quân phát xít Italia bao vây đảo Malta của Anh. Đầu tháng 9, Italia chinh phục Somalia và tấn công Ai Cập, đều thuộc Anh. Sang tháng 10, Italia xâm lược Hy Lạp nhưng bị đẩy lui và hứng chịu thương vong nặng nề.

Trước tình hình đó, Đức quyết định đánh chiếm khu vực Balkan nhằm ngăn chặn quân Anh giành được chỗ đứng tại đây, nếu không, các mỏ dầu Đức đang khai thác tại Romania sẽ bị đe dọa. Chiếm được Balkan, Đức còn có thể sử dụng nó làm bàn đạp để tấn công các vùng lãnh thổ của Anh tại Địa Trung Hải.

{keywords}
Lính dù Đức đổ bộ lên đảo Crete. Ảnh: Wikipedia

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc chiến, Đức đã lôi kéo thành công Hungary, Romania và Bulgaria trở thành đồng minh. Bước tiếp theo là gây áp lực để Nam Tư cùng tham gia phe Trục. Hoàng tử nhiếp chính của Nam Tư là Paul, nhận thấy mình không còn đồng minh tại Balkan, đã nhượng bộ trước sức ép này. Ngày 25/3/1941, Nam Tư gia nhập Hiệp ước Ba bên (Đức-Italia-Nhật).

Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối từ những người cộng sản, giới quân sự và phần lớn người dân Nam Tư. Ngày 27/3, các sĩ quan quân đội Nam Tư tiến hành đảo chính. Hoàng tử Paul bị lật đổ và thay thế bằng Quốc vương Peter II. Hitler vô cùng giận dữ. Ngay trong ngày 27/3, ông ta ban hành Chỉ thị số 25 quyết định tấn công Nam Tư và Hy Lạp, bất chấp cảnh báo của Bộ Tư lệnh tối cao Đức.

Cuộc xâm lược Nam Tư của quân Đức (thường được gọi là Chiến dịch 25 gọi theo Chỉ thị 25) bắt đầu ngày 6/4/1941, mở màn bằng một cuộc không kích ồ ạt nhằm vào thủ đô Beograd và các cơ sở của không quân Nam Tư, cùng với những đòn công kích của các lực lượng trên bộ Đức từ miền tây nam Bulgaria. Tiếp sau đó là những mũi tấn công của Đức từ Romania, Hungary và Áo. Quân Italia chỉ tấn công hạn chế bằng không quân và pháo binh. Quân phe Trục hầu như không gặp phải sức kháng cự nào đáng kể, quân Nam Tư tan rã và rút chạy.

Ngày 12/4, quân Đức chiếm được Beograd, trong khi Ljubljana rơi vào tay quân Italia. Trong các ngày 14-15/4, Quốc vương Peter cùng chính phủ lên máy bay rời khỏi đất nước, Bộ Tư lệnh tối cao Nam Tư bị quân Đức bắt ở gần Sarajevo. Ngày 17/4, hiệp định đình chiến được ký và có hiệu lực từ trưa 18/4. Nam Tư bị các quốc gia phe Trục chiếm đóng và chia cắt. 

Song song với cuộc xâm lược Nam Tư, quân đội Đức cũng bắt đầu Chiến dịch Marita xâm chiếm Hy Lạp. Sáng sớm ngày 6/4/1941, trong khi không quân Đức bắt đầu oanh kích dữ dội thủ đô Beograd của Nam Tư, thì một cánh quân Đức cũng vượt qua Bulgaria bằng hai mũi riêng biệt nhằm đánh kẹp vào sườn phía nam Hy Lạp.

Các lực lượng hỗn hợp của Hy Lạp và Khối Thịnh vượng chung Anh chống trả rất ngoan cường, nhưng do bị áp đảo về quân số và hỏa lực nên cuối cùng tan vỡ. Ngày 27/4, thủ đô Athens thất thủ nhưng người Anh đã kịp sơ tán được khoảng 40.000 quân. Chiến dịch tại Hy Lạp kết thúc ngày 30/4 bằng chiến thắng của Đức khi thành phố Kalamata trên bán đảo Peloponnesus thất thủ.

Ngày 20/5/1941, lính dù Đức được thả xuống các sân bay ở phía bắc Crete (đảo lớn nhất và đông dân nhất của Hy Lạp), mở đầu cho cuộc tấn công chiếm hòn đảo này. Chúng gặp phải sự kháng cự kịch liệt của lực lượng hỗn hợp và dân cư địa phương, nhưng rốt cuộc quân phòng thủ bị áp đảo bởi lực lượng vượt trội của Đức. Ngày 27/5, chỉ huy quân Anh ra lệnh rút lui. Tuy giành được hòn đảo, nhưng những tổn thất nặng nề mà quân dù hứng chịu đã buộc Đức phải từ bỏ hoạt động không vận quy mô lớn trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến tranh thế giới.

Sau đó, quân Đồng Minh lo ngại rằng đảo Crete và Hy Lạp sẽ trở thành bàn đạp để Đức tấn công Ai Cập hay đảo Síp thuộc Anh. Tuy nhiên, mọi kế hoạch cho một cuộc tấn công quy mô lớn tại Ai Cập và Palestine đều bị bỏ qua do chiến dịch Barbarossa được bắt đầu vào ngày 22/6/1941.

Trong suốt thời gian còn lại của Thế chiến Hai, hoạt động kháng chiến của các lực lượng yêu nước Nam Tư, Hy Lạp, Albania đã buộc Đức và các đồng minh phải đồn trú hàng trăm nghìn quân thường trực tại 3 quốc gia này. Đặc biệt tại Nam Tư, từ sau năm 1943, mối đe dọa từ cuộc tiến công của quân Đồng Minh và các hoạt động du kích đã buộc Đức phải tiến hành các hoạt động chống bạo loạn lớn với quy mô nhiều sư đoàn, trong đó bao gồm cả các đơn vị xe tăng và bộ binh sơn cước tinh nhuệ.

Tháng 9/1943, phát xít Italia đầu hàng, Đức tiếp quản những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Italia tại Balkan. Năm 1944, Đức rút khỏi Albania và Hy Lạp. Nam Tư được giải phóng hoàn toàn vào tháng 4/1945.

Nguyên Phong

Trận chiến khiến phát xít Đức tấn công Liên Xô

Trận chiến khiến phát xít Đức tấn công Liên Xô

Chiến dịch tấn công Pháp được coi là một trong những hoạt động quân sự thành công nhất của Đức trong Thế chiến Hai.

Vì sao phát xít Đức 'vuột mất' hàng trăm nghìn quân Anh-Pháp?

Vì sao phát xít Đức 'vuột mất' hàng trăm nghìn quân Anh-Pháp?

Sau khi chinh phục Đan Mạch và Na Uy, quân đội Đức quốc xã chuyển sang tấn công Hà Lan, Bỉ và Pháp.