Theo chuyên trang hàng không The Aviationist, công ty Mỹ Lockheed (về sau sáp nhập với công ty Martin Marietta vào năm 1995 để tạo nên tập đoàn sản xuất vũ khí, khí tài quân sự lớn nhất thế giới Lockheed Martin) đã bí mật thiết kế và phát triển mẫu máy bay do thám SR-71 Blackbird vào những những năm 1960. Mẫu máy bay này ra đời nhằm tạo ưu thế do thám cho Không quân Mỹ trước Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, rất lâu trước khi các vệ tinh và máy bay không người lái trở nên phổ biến.

{keywords}
Máy bay do thám SR-71 Blackbird của Không quân Mỹ. Ảnh: Wikimedia

SR-71 Blackbird được nhà sản xuất trang bị cho những tính năng tân tiến nhất, bao gồm cả một số tính năng mới, chưa từng xuất hiện ở dòng máy bay nào trước đây. Đáng nói, mẫu máy bay này có thể di chuyển với vận tốc cực nhanh và gần như qua mặt mọi hệ thống radar lúc bấy giờ, trước cả khi tính năng "tàng hình" được biết đến đến rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất vũ khí.

Năm 1976, SR-71 Blackbird đã trở thành mẫu máy bay dùng động cơ phản lực không khí, có người lái nhanh nhất thế giới khi đạt vận tốc lên tới 3.530 km/h ở độ cao xấp xỉ 30km. Cho đến nay, chưa có máy bay không sử dụng động cơ tên lửa, có người lái nào từng xô đổ được kỷ lục này.

Theo trang The Aviationist, bí quyết tạo nên một trong mẫu máy bay phản lực nhanh nhất thế giới nói trên là thiết kế của các cửa hút khí cho phi cơ. Cụ thể, SR-71 Blackbird có thể đạt tới vận tốc tối đa Mach 3.2 (gần 3.951 km/h) nhờ kết hợp các động cơ phản lực Pratt & Whitney J-58 và các cửa hút khí, tạo lực đẩy cực mạnh. Trong đó, động cơ sử dụng nhiều siêu hợp kim niken, đặc biệt là Inconel và Waspaloy chống chịu được nhiệt độ rất cao, dao động từ 430°C ở cửa hút khí đến 1.760°C ở ống chất đốt phụ.

{keywords}
Một chiếc SR-71 Blackbird đang tiến lại gần máy bay hậu cần KC-135 của Không quân Mỹ trong quá trình tiếp nhiên liệu phía trên bầu trời Nevada tháng 1/1990.

Ngoài ra, SR-71 Blackbird còn có một gai hình nón di chuyển được để thay đổi hình dạng của cửa hút khí. Máy bay cũng được trang bị các cửa tránh phía trước nhằm giảm áp lực cùng các lưới tản nhiệt ở bên ngoài vỏ bọc, được kết nối với thân rỗng của gai hình nón.

Nhiên liệu dùng cho máy bay do thám này cũng là loại đặc biệt, cho phép chống chịu được các điều kiện khắc nghiệt cực điểm khi di chuyển ở vận tốc trên 3.700 km/h.

Dù có rất nhiều ưu điểm, nhưng Mỹ đã cho dừng chương trình SR-71 Blackbird vào những năm 1990 vì sự xuất hiện của các công nghệ do thám mới, có tính khả thi và độ chính xác cao hơn như vệ tinh gián điệp hay máy bay không người lái. Kể từ khi trình làng cho tới lúc nghỉ hưu cách đây hai thập niên, chỉ có vẻn vẹn 32 chiếc SR-71 Blackbird từng được xuất xưởng.

Tuấn Anh