Tổ chức nghiên cứu đặt tại London cho rằng xu hướng này phần lớn bắt nguồn từ sự tăng cường cạnh tranh quân sự giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc.

Trong năm 2019, chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao chưa từng có trong một thập kỷ, tăng 4% so với năm 2018. Dữ liệu được IISS thu thập bao gồm cả ngân sách mua vũ khí và tiền đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Top 15 nước chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng không thay đổi so với năm trước đó, song có một số thay đổi trong thứ tự. Mỹ tiếp tục giữ vị trí thượng phong, với mức chi nhiều hơn tổng ngân sách của 11 nước tiếp theo trong danh sách gộp lại, và nhiều hơn 4 lần so với nước đứng thứ 2 – Trung Quốc.

Ngân sách của cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng 6,6% vào năm ngoái, lên mức 684,6 tỉ USD và 181,1 tỉ USD. Riêng phần tăng thêm của Mỹ đã nhiều hơn tổng ngân sách cả năm của Anh.

{keywords}
 Biểu đồ về ngân sách quốc phòng của top 15 nước cho chi tiêu cao nhất thế giới trong năm 2019

Tuy nhiên, ngân sách của các nước khác cũng tăng lên, với Châu Âu (ngoại trừ Nga) chi nhiều hơn 4,2% so với 2018, đưa họ trở về mức chi trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Nga đã chi 61 tỉ USD cho các nhu cầu quân sự trong năm 2019. Song, trang Defense News lưu ý rằng Moscow mua vũ khí từ các công ty Nga bằng đồng Rúp, và khi xét đến sức mua tương đương thì con số thật vào khoảng 150 tỉ USD. Tuy nhiên, ngay cả con số này cũng chỉ tương đương với khoảng 21% ngân sách của Mỹ.

Mức tăng trong ngân sách, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng, đã phản ánh sự thay đổi trong thứ tự ưu tiên của Washington. Đầu năm 2018, nước này đã thông báo một sự chuyển đổi trong chiến lược quốc phòng quốc gia, từ các chiến dịch chống khủng bố quy mô nhỏ lẻ ở khắp nơi trên thế giới sang “cạnh tranh chiến lược liên quốc gia” với Nga và Trung Quốc.

Ngân sách của Trung Quốc cũng tăng, với kế hoạch dài hơi trong nhiều thập kỷ. Tiền đầu tư vào các lĩnh vực mới, từ trí tuệ nhân tạo đến tên lửa siêu thanh, các công nghệ tàng hình, vũ khí không gian...

Việc Washington huỷ bỏ hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào đầu năm 2019 đã dọn đường cho việc phát triển một thế hệ tên lửa mới. Hiệp ước ký kết năm 1987 này nghiêm cấm các tên lửa mặt đất với tầm xa từ 500 đến 5.500km. 

Anh Thư