Ấn Độ đã ký hợp đồng mua S-400 với Nga hồi tháng 10/2018, với tổng giá trị hợp đồng lên tới 5,43 tỉ USD. Việc chuyển giao các hệ thống phòng không dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2023.

Chính quyền Mỹ cho biết, nếu Ấn Độ tiếp tục thương vụ mua S-400 từ Nga, nước này có thể sẽ hứng chịu các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Đối phó các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) mà Mỹ lập ra hồi 2017 nhằm đối phó Triều Tiên, Iran và một số nước khác.

{keywords}
Hệ thống Patriot. Ảnh: Wikipedia

Cụ thể, điều khoản trong Đạo luật CAATSA quy định, Mỹ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt lên các nước mua vũ khí từ Nga, Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, phía Moscow luôn coi luật CAATSA là một sự tuyên bố “chiến tranh thương mại toàn diện” với Nga.

Hiện chưa rõ phản ứng của Ấn Độ về lời đề nghị này của phía Washington.

S-400 của Nga là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, có khả năng bắn được tới 3 loại tên lửa khác nhau ở cả tầm ngắn và tầm xa. Các tên lửa của S-400 có thể ngắm bắn nhiều loại mục tiêu, trong đó gồm cả máy bay gây nhiễu, máy bay do thám, tên lửa hành trình, và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

{keywords}
Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Armyrecognition

Ấn Độ không phải là nước đầu tiên muốn mua S-400 bị Mỹ ngăn cản. Trước đó, thương vụ mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị phía Washington phản đối quyết liệt. Mỹ thông báo, nước này sẽ không giao máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara từ bỏ việc mua S-400.

Đáp trả thông báo của phía Washington, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố cứng rắn rằng Ankara “sẽ mua vũ khí nước này cần từ các nước khác, với những công nghệ tiên tiến nhất được chào hàng” nếu Mỹ không bàn giao các máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuấn Trần