Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao của Mỹ, Ngoại trưởng Blinken đã nêu ra 8 ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Các ưu tiên này bao gồm: Chấm dứt đại dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế trong và ngoài nước, đổi mới nền dân chủ, cải cách hệ thống nhập cư, tái thiết các mối quan hệ đồng minh, đối phó với việc biến đổi khí hậu, bảo đảm sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và đương đầu với Trung Quốc.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: BBC

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cần khôi phục lại quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh cũng như cơ chế đa phương. “Chúng tôi đang thực hiện nỗ lực lớn nhằm tái kết nối với những người bạn và đồng minh”, ông Blinken nói tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuy nhiên, ông cũng hối thúc các đồng minh của Mỹ duy trì vai trò của mình. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao ở Washington cho rằng, “quan hệ đối tác thực sự đồng nghĩa với việc chia sẻ gánh nặng chung”.

Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ không có ý định thực hiện các chiến dịch can thiệp quân sự tốn kém, mà thay vào đó sẽ tập trung cho các giải pháp ngoại giao. “Chúng tôi từng sử dụng các chiến thuật này trong quá khứ, nhưng đây không phải là cách làm hiệu quả. Chúng tôi sẽ thực hiện theo cách khác”.

Liên quan tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken nói rằng, “quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ trở nên cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc phải như vậy”. Trong khi gọi Iran, xung đột ở Yemen và Myanmar là những thách thức tiềm tàng, ông Blinken đã xếp Trung Quốc là một trong 8 ưu tiên.

Theo ông, Trung Quốc là nước duy nhất có thể gây ra “thách thức nghiêm trọng cho sự ổn định và cởi mở của hệ thống quốc tế”. Để đương đầu với Trung Quốc về kinh tế, ông cho rằng Mỹ cần đầu tư vào “công nhân, doanh nghiệp và các lĩnh vực công nghệ” của mình.

Theo bình luận của hãng thông tấn Reuters, mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đang vấp phải nhiều thách thức nghiêm trọng từ việc cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những hoạt động kinh tế của Bắc Kinh cho tới những vấn đề về Hong Kong, Biển Đông…

Tổng thống Biden từng gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Mỹ và Washington sẽ đối đầu với Bắc Kinh về nhiều vấn đề như sở hữu trí tuệ, chính sách kinh tế. Chính quyền của ông Biden đã cho thấy dấu hiệu sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Cũng trong bài phát biểu dài 28 phút hôm 3/3, Ngoại trưởng Blinken cam kết sẽ tập trung vào việc làm thế nào để chính sách ngoại giao có ảnh hưởng trực tiếp tới mọi người Mỹ và đây là mấu chốt trong cách tiếp cận của chính quyền mới.

"Chúng tôi sẽ đấu tranh cho mỗi công việc của người Mỹ, đấu tranh cho quyền lợi, sự bảo vệ và những lợi ích của tất cả người lao động Mỹ", ông nói.

Dương Lâm

Lãnh đạo Mỹ-Trung 'đối đầu' trong suốt hai giờ điện đàm

Lãnh đạo Mỹ-Trung 'đối đầu' trong suốt hai giờ điện đàm

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm đầu tiên, bàn về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương.

Quan hệ Mỹ-Trung, cuộc va đập các giá trị không dễ lắng dịu?

Quan hệ Mỹ-Trung, cuộc va đập các giá trị không dễ lắng dịu?

Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc xung đột về các giá trị và sẽ không dễ dàng vượt qua những bất đồng.