- Hội nghị ngừng bắn cho Ukraina với sự góp mặt của lãnh đạo bốn nước Đức, Pháp, Nga, Ukraina tại Minsk khép lại sau gần 17 giờ 'cân não đấu trí', hay còn được gọi là 'cuộc chạy đua marathon chính trị'.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Hy vọng cho hòa bình trở lại miền đông Ukraina nhen nhóm sau khi thỏa thuận cho hay lệnh ngừng bắn có hiệu lực bắt đầu từ đêm 15/2.

{keywords}
Lãnh đạo bốn nước tham gia hội nghị tại Minks, từ trái qua phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko. Ảnh: RIA

Tổng thống Nga Putin đã bắt tay Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko trước khi hội nghị bắt đầu. Nét mặt ông Poroshenko giãn ra, với nụ cười nhẹ.

Nhưng sau phiên làm việc xuyên đêm với thời gian dài nhất trong lịch sử các cuộc đàm phán của ông Putin từ khi nhậm chức, ông là người bước ra phòng họp đầu tiên, người phát biểu về thỏa thuận ngừng bắn và cũng là người cười tươi nhất.

"Chúng tôi đã đạt được nhất trí về các vấn đề chính" - ông Putin nói.

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko, với vẻ mặt đăm chiêu hơn, xác nhận về lệnh ngừng bắn này và cho biết, các vũ khí hạng nặng sẽ phải được đưa ra khỏi vùng xung đột trong vòng 14 ngày.

Quân đội Kiev sẽ đưa vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến hiện nay. Quân ly khai sẽ rút trở lại vị trí như hồi tháng Chín, khi mà lệnh ngừng bắn cũ có hiệu lực.

Khu vực an ninh phân tách giữa hai bên sẽ rộng ít nhất là 50 km đối với các loại đạn pháo trên 100mm, 70km đối với các bệ phóng hỏa tiễn đa nòng và 100km đối với các vũ khí hạng nặng hơn với tầm xa hơn (như tên lửa đạn đạo Tochka-U).

Thỏa thuận cũng yêu cầu rút mọi 'binh sĩ nước ngoài, vũ khí hạng nặng và lính đánh thuê' khỏi Ukraina dưới sự giám sát của OSCE. "Các nhóm vũ trang bất hợp pháp' sẽ bị giải giáp vũ khí.

Thỏa thuận cũng nhắc lại việc cải cách chính trị tại Ukraina để đảm bảo quy chế đặc biệt cho các tỉnh đòi ly khai là Lugansk và Donetsk và ổn định tình hình tại biên giới.

Với các điểm then chốt đạt được, thỏa thuận hôm qua được hy vọng phá tan thế bế tắc cho xung đột tại đông Ukraina, dù có ý kiến cho rằng thỏa thuận này không phải là đột phá gì mới mẻ so với thỏa thuận trước đó hồi tháng Chín.

Xét từ khía cạnh lợi ích, các bên tham gia hội nghị đều ra về với vẻ mặt hài lòng. Vấn đề là ai được những gì.

Trước tiên, người được lợi nhất từ kết quả hội nghị này là ông Putin. Đến hội nghị sớm hơn thường lệ, nhưng dường như một cuộc họp như vậy đã được ông Putin cố ý chờ đợi từ lâu.

Về thời điểm, lệnh ngừng bắn đạt được đúng vào thời điểm trước một hội nghị tại Brussels ở Bỉ vài giờ, nơi mà các nước phương Tây bàn xem có nên trừng phạt Nga nữa hay không. Ngay sau đó, câu chuyện này lập tức đưa ra khỏi chương trình nghị sự tại Brussels.

Ngoại trưởng Mỹ cũng lên tiếng sẽ cân nhắc lại việc rút khả năng trừng phạt Moscow nếu như lệnh ngừng bắn khả thi.

Thực tế, khi quân ly khai ở miền đông Ukraina đang chiếm ưu thế hơn hẳn quân chính phủ Kiev, ông Putin không có gì nhiều để mất trên bàn đàm phán (bất kể kết quả đàm phán là gì).

Dù lực lượng ly khai phải rút về đường phân định như hội nghị tại Minsk hồi tháng Chín, thì các tuyến đường được cho là tiếp viện cho lực lượng này vẫn không có gì thay đổi.

Như ông Putin đã nhấn mạnh một cách thận trọng, quân ly khai chỉ từ bỏ quyền kiểm soát biên giới khi nào chính phủ Kiev đảm bảo quyền tự trị cho các vùng lãnh thổ đòi ly khai, trả tiền trợ cấp và các phúc lợi xã hội khác cho lực lượng này, cùng với việc xem xét ‘quy chế đặc biệt’ bán độc lập trong sửa đổi hiến pháp của Ukraina.

Ukraina có 30 ngày để quyết định về quy chế đặc biệt đối với vùng Donbas theo thỏa thuận vừa đạt được. Trên tất thảy, thỏa thuận còn đảm bảo quyền miễn trừ truy tố cho những ai từng cầm súng trong lực lượng ly khai.

Về phía Kiev, Tổng thống Petro Poroshenko mất không ít, nhưng được cũng nhiều. Để đạt thỏa thuận này, ông Poroshenko buộc phải nhượng bộ Moscow khi phải đáp ứng quyền tự trị nhiều hơn cho vùng Donbas.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tiết lộ trước về khả năng này khi có chuyến công du bất ngờ tới Nga cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tuần trước.

Khi thỏa thuận ngừng bắn vừa tuyên bố đạt được, quỹ Tiền tệ Quốc tế ngay lập tức tuyên bố cung cấp một gói cứu trợ vào Ukraina với con số khổng lồ: 17,5 tỉ USD. Số tiền này có thể sẽ giúp chống đỡ cho nền kinh tế Ukraina trong vòng 4 năm tới.

Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng không ra về tay trắng. Bà làm mếch lòng những người ở Washington khi nói rằng việc tiếp viện vũ khí cho Ukraina không giúp giải quyết xung đột tại đây, khi mà Tổng thống Obama tuyên bố có thể trang bị vũ khí sát thương cho Kiev để ‘tự vệ’.

Nay, những nỗ lực ngoại giao con thoi của bà cùng với Paris thúc đẩy việc gạt hẳn câu chuyện súng ống ra ngoài lề nghị sự. Đây cũng là một lý do nữa khiến ông Putin cảm thấy buổi sáng hôm sau cuộc đua marathon chính trị dễ thở hơn rất nhiều.

Lê Thu