Ông Trump viện dẫn bằng chứng là đoạn video mà Washington mới tung ra ghi cảnh một tàu tuần tra lớp Gashti của IRGC tiếp cận tàu M/T Kokuka Courageous của Nhật Bản, một trong hai con tàu bị tấn công, với một cá nhân đứng trên mũi thuyền rồi lấy mìn chưa nổ ra khỏi thân tàu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng sự thật cần được "xác minh".

Trong khi đó, Nga cảnh báo không nên đưa "kết luận vội vàng", đồng thời cảnh báo việc Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mason tới Vùng Vịnh sau sự việc là động thái ẩn chứa nhiều hậu quả nghiêm trọng.

{keywords}
Tàu chở dầu bị tấn công ngày 13/6. (Ảnh: AP)

Kokuka Courageous bị tấn công hôm 13/6 khi đang chạy qua Vịnh Oman trong hành trình chở dầu tới Singapore và Thái Lan. Toàn bộ 21 thành viên thủy thủ đoàn đã được một tàu Iran cứu. Sau đó, với sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, họ đã trở lại tàu.

Trước đó cùng ngày, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy cũng bốc cháy vì bị tấn công khi đang hành trình từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc).

Tháng trước, 4 tàu dầu bị hư hại trong một vụ tấn công ngoài khơi biển UAE (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất). Mỹ quy trách nhiệm cho Iran về vụ này nhưng không đưa ra bằng chứng. Chính quyền Tehran phủ nhận mọi cáo buộc.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền năm 2017. Ông rút khỏi một thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm của Barack Obama cùng các cường quốc ký với Iran năm 2015, đồng thời thắt chặt cấm vận với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Trò chuyện với Fox News ngày 14/6 về vụ tàu dầu Nhật bị tấn công, ông Trump tuyên bố Iran "đã làm việc đó" và cảnh báo "chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này".

"Tôi cho rằng một trong những quả mìn không nổ và có lẽ về cơ bản Iran đã gây chuyện. Và các bạn đã thấy con thuyền vào ban đêm đang cố gắng gỡ mìn và lấy được mìn ra khỏi tàu, và điều đó đã bị phơi bày", nhà lãnh đạo Mỹ lập luận.

Tổng thống Trump cũng nói sẽ không có chuyện Iran có thể đóng cửa Eo biển Hormuz - hải trình sống còn cho một phần ba sản lượng dầu vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua hàng năm. Còn nếu Iran vẫn hành động thì theo ông, eo biển sẽ không bị đóng cửa "lâu".

Trước khi Tổng thống Trump chính thức lên tiếng về vụ tàu dầu bị tấn công ở Vịnh Oman, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lý giải rằng vũ khí được sử dụng, mức độ chuyên môn cần có để thực hiện tấn công, cộng với các vụ tấn công vận tải biển tương tự của Iran mới đây chứng tỏ Tehran đứng sau vụ việc. Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan cho biết Washington sẽ chia sẻ thông tin tình báo để "tạo dựng sự đồng thuận quốc tế cho vấn đề mang tính quốc tế này".

{keywords}

Yutaka Katadanosii về vụ tàu Kokuka Courageous bị tấn công. Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, trái với kết luận của Mỹ, Yutaka Katada  - chủ tàu dầu Kokuka Courageous - cho biết các thủy thủ trên tàu đã nhìn thấy "các vật thể bay" trước vụ tấn công ở Vịnh Oman, khẳng định tàu không trúng mìn. Nhận định các vật thể bay đó có thể là đạn, và cho rằng thông tin về một vụ tấn công bằng mìn là "sai", ông Katada lập luận cả hai điểm con tàu bị hư hại đều là trên mực nước nên không thể do trúng mìn ngầm.

Cùng ngày 14/6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc Mỹ tạo ra "một mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định ở Trung Đông". Tuy nhiên, ông không trực tiếp đề cập vụ tấn công tàu dầu. Nhà lãnh đạo Iran nhắc lại lời hối thúc các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015 hãy tôn trọng các cam kết của mình, sau khi chính quyền Trump rút lui.

Trong một diễn biến mới, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ vài giờ trước khi xảy ra vụ tấn công tàu dầu, Iran đã dùng tên lửa đất đối không bắn một máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ đang hoạt động ở khu vực. Tên lửa không trúng mục tiêu và rơi xuống biển.

Nguồn tin cho biết thêm, trước khi bị bắn, MQ-9 đã quan sát thấy các tàu của Iran tiến gần tới các tàu chở dầu. Tuy nhiên, vị này không tiết lộ máy bay có quan sát thấy tàu Iran tấn công 2 tàu chở dầu hay không.

Thanh Hảo