Sau khi bị Liên minh châu ÂU (EU) lên án vì quyết định không báo trước, nhà lãnh đạo Mỹ lý giải ông không có thời gian bàn bạc, đồng thời cho biết ông loại trừ Anh khỏi lệnh cấm đi tới Mỹ vì nước này "đang làm tốt" trong chiến đấu chống đại dịch Covid-19.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Anh hiện có 590 ca nhiễm virus tính đến nay với 10 người tử vong, thấp hơn so với ở Italia và Đức.

Ông Trump tiếp tục nhấn mạnh về việc thực hiện "bước đi táo bạo nhất trong tất cả" khi đóng cửa biên giới với Trung Quốc trước khi chỉ ra rằng châu Âu "có một số điểm nóng đã thực sự nghiêm trọng". Ông nhắc đến Đức, Pháp và Italia trước khi đưa ra bình luận lạc quan: "Chúng tôi nghĩ chúng ta sẽ tái thiết rất nhanh ngay khi việc này kết thúc".

Phản ứng trước câu hỏi của một nhà báo về việc tại sao ông không tham vấn các nước châu Âu về lệnh cấm đi lại, chủ nhân Nhà Trắng nói: "Khi họ tăng thuế với chúng ta, họ có tham vấn chúng ta đâu, và tôi nghĩ điều này cũng tương tự".

Sau thông báo bất ngờ khiến các thị trường chao đảo ngày 12/3, ông Trump chỉ rõ rằng ông có thể cắt ngắn hoặc kéo dài khung thời gian 30 ngày của lệnh cấm, vốn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13/3.

Tổng thống Mỹ bày tỏ hy vọng việc đi lại giữa Mỹ và châu Âu cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc có thể phục hồi "rất nhanh".

Giới chức châu Âu lên án việc Mỹ áp lệnh cấm "đơn phương và không bàn bạc". Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định liên minh này "đang hành động mạnh mẽ để hạn chế sự lây lan của virus".

Châu Âu chủ yếu để các nước thành viên tự bảo vệ mình trước dịch Covid-19. Tại một hội nghị ít hôm trước, các lãnh đạo của khối nhất trí không để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị y tế và đẩy mạnh phát triển vaccine, đồng thời thiết lập một quỹ để khắc phục những ảnh hưởng kinh tế của đại dịch.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng có tới 60-70% dân số sẽ bị nhiễm bệnh nhưng không đưa ra biện pháp nào nhắm tới giới hạn đi lại hay đóng cửa biên giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Áo và Slovakia vì đã đóng cửa biên giới với "tâm dịch" Italia nhưng giới chức ở Paris cũng đang tính toán sớm chuyển sang phản ứng "Giai đoạn 3" - mức hành động cao nhất của chính phủ.

Italia - nước đang bị Covid-19 tấn công nặng nề nhất ở châu Âu - mới đây đã phải tiến hành phong tỏa toàn quốc, đóng cửa các nhà hàng và cửa hiệu, khuyến cáo người dân ở trong nhà và tránh đi lại giữa bối cảnh virus corona chủng mới đã cướp mạng sống của 1.016 người và lây nhiễm cho 15.113 người khác tính đến hết ngày 12/3.

Thanh Hảo