Theo hãng thông tấn Fox, đây là thông điệp liên bang thứ 3 nhưng là lần phát biểu thứ 4 của Tổng thống Trump trước toàn thể Quốc hội kể từ khi lên nắm quyền. Ước tính có khoảng 46 triệu khán giả truyền hình theo dõi buổi phát sóng trực tiếp thông điệp liên bang năm nay của lãnh đạo Nhà Trắng.

{keywords}
Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang 2020 trước toàn thể Quốc hội ngày 5/2. Ảnh: AP

Mặc dù thông điệp liên bang của tổng thống Mỹ thường được coi là báo cáo ghi nhận những thành tựu và khó khăn mà quốc gia đang gặp phải cũng như các vấn đề cần phải đối mặt và giải quyết trong thời gian tới, nhưng giới quan sát nhận định ông Trump dường như đã biến Thông điệp liên bang năm 2020 thành bài diễn văn tái tranh cử.

Báo Guardian trích dẫn lời nhiều phóng viên chính trị kỳ cựu so sánh bầu không khí sự kiện với một buổi mít tinh vận động tranh cử của Tổng thống Trump. Trong đó, các nghị sĩ Cộng hòa hô vang khẩu hiệu ủng hộ "Thêm 4 năm nữa". Ngược lại, nhiều nhà lập pháp Dân chủ lên tiếng la ó phản đối ông chủ Nhà Trắng.

{keywords}
Ảnh: AP

Đáng chú ý, khi bước vào phòng họp của Hạ viện, địa điểm được chọn làm nơi ông đọc thông điệp liên bang, Tổng thống Trump đã bắt tay nhiều nghị sĩ và các quan khách, nhưng "ngó lơ" khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một chính khách hàng đầu thuộc đảng Dân chủ chìa tay ra với ông.

Mở đầu bài diễn văn, Tổng thống Trump đã đề cập đến các thành tựu kinh tế Mỹ đã đạt được trong nhiệm kỳ của ông. Cụ thể, người lao động Mỹ đã có thêm 7 triệu việc làm, tỉ lệ thất nghiệp trong nước ở mức thấp.

Ông Trump nói, sau khi chứng kiến 60.000 nhà máy phải đóng cửa trong hai chính quyền tiền nhiệm, nước Mỹ hiện đã có thêm 12.000 nhà máy mới kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Theo lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm, chính quyền của ông đang tái thiết đất nước và khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới.

Ông Trump khoe, nhờ thực thi chính sách cắt giảm táo bạo, Mỹ cho đến nay đã trở thành nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới. Song, CNN trích dẫn dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, nước này đã trở thành nhà sản xuất năng lượng số 1 toàn cầu từ thời Tổng thống tiền nhiệm - Barack Obama.

Ngoài việc nêu bật sức mạnh quân sự của Mỹ với những khí tài, trang thiết bị tối tân, ông Trump cũng tuyên bố sẽ cho triển khai những biện pháp mạnh mẽ, cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người dân trước sự hoành hành và lây lan khắp thế giới của dịch do virus corona mới (2019-nCoV) bùng phát ở Trung Quốc. Lãnh đạo Nhà Trắng cho biết thêm, ông đã cho xây mới hơn 160km tường rào biên giới "dài, cao và rất vững chắc".

Trong thông điệp liên bang, ông Trump đã có những phát biểu phủ nhận đóng góp của phe Dân chủ đối việc cải cách hệ thống tư pháp, phúc lợi xã hội cũng như chăm sóc y tế của Mỹ. Ông cũng cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ ai tìm cách "phá hủy hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ". Phát biểu được cho là đòn công kích nhắm vào các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, chẳng hạn như Bernie Sanders, người đề xuất hệ thống y tế một bên chi trả, do chính phủ quản lý.

Căng thẳng tăng cao trong lúc ông Trump đọc thông điệp liên bang. Trong khi các khách mời và các nhà lập pháp Cộng hòa ngồi bên trái khán phòng liên tục đứng dậy vỗ tay, các nghị sĩ Dân chủ hầu ngồi yên hoặc la ó phản đối. Ba nghị sĩ Dân chủ cho biết họ đã bỏ về giữa chừng khi tổng thống vẫn đang "thao thao bất tuyệt".

{keywords}
Ảnh: CNN

Sau khi ông Trump kết thúc bài diễn văn, Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã thẳng tay xé bỏ bản sao Thông điệp liên bang 2020 của tổng thống ngay trên bục chủ tọa.

Tuấn Anh