Có hơn 170 công ty ký vào bức thư trên cho biết, hầu hết tất cả các sản phẩm giày trên toàn cầu đều đang được sản xuất tại Trung Quốc. Ngành giày dép đã đóng góp khoản thuế 3 tỷ USD/năm và lợi nhuận không phải là quá lớn, do vậy các khoản thuế bổ sung có thể tác động vào giá thành sản phẩm và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Bức thư này được đăng tải trên trang web của Nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (Footwear Distribution and Retailers of America). Ngoài ra, bức thư cũng được gửi đến Bộ trưởng Tài chính Stephen Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Cố vấn Kinh tế Larry Cudlow. Nội dung bức thư cho biết, chính sách thuế mà Mỹ theo đuổi nhằm vào Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả tai hại cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ nói chung.

{keywords}
Thương chiến Mỹ-Trung gây ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Ảnh: Industryweek

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng, chiến tranh thương mại đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ. Theo ông, Mỹ nhận được hàng tỷ USD thuế quan áp đặt vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump cũng khuyến khích các công ty chuyển dây chuyền sản xuất công nghệ cao trở về Mỹ, còn hàng tiêu dùng thì sản xuất ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, các công ty Mỹ không quá lạc quan về triển vọng chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác. Theo số liệu khảo sát các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Quốc của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China) và Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải (AmCham Shanghai) công bố hôm 22/5, có khoảng 60% các công ty đang hoạt động tại Trung Quốc không có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này. Ngoài ra, gần 75% doanh nghiệp than phiền về các tác động tiêu cực khi tăng thuế của hai nước Mỹ-Trung.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tăng đầu tư vào Trung Quốc. Theo ông Lục, các nhà sản xuất lớn nhất thế giới như Tesla, BASF, BMW đang tăng đầu tư vào Trung Quốc.

“Trước hết, môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang trở nên tốt hơn. Nhìn vào đánh giá toàn cầu năm 2018 về điều kiện kinh doanh, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn. Môi trường kinh doanh là rất quan trọng, vì bất kỳ nhà sản xuất nào cũng tính đến môi trường chính trị, pháp lý và các điều kiện khác tại quốc gia mà họ sẽ bắt đầu sản xuất”, giám đốc Kinh tế và Nghiên cứu Phát triển Thế giới tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, ông Jiang Yuechun cho biết.

“Thứ hai, lĩnh vực xã hội ở Trung Quốc cũng đã trải qua những thay đổi đáng kể. Trung Quốc liên tục gia tăng cởi mở với thế giới bên ngoài và thực hiện tất cả những điều đó nhanh hơn, thông qua các biện pháp pháp lý và hành chính liên quan. Vì vậy, điều này cũng góp phần làm tăng sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư và sản xuất nước ngoài”, ông Jiang nói thêm.

“Có một yếu tố quan trọng nữa là giá thành. Bất kỳ nhà đầu tư nào trước hết cũng nghĩ về lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình. Bất chấp chi phí lao động ở Trung Quốc đang ngày càng tăng lên, nếu đánh giá tổng thể tình hình, việc đầu tư vào Trung Quốc vẫn có lợi hơn so với các nước khác. Và chi phí lao động ở Trung Quốc so với các nước phát triển vẫn không phải quá cao”, ông Jiang kết luận.

Chuyển sản xuất sang các nước khác là một quá trình lâu dài và tốn kém. Theo tính toán của tập đoàn Intel, để chuyển xí nghiệp sản xuất ra khỏi Trung Quốc, ít nhất họ sẽ tốn khoảng 650-875 triệu USD. Vì vậy, trong mọi trường hợp, chi phí sản xuất của các công ty chắc chắn sẽ tăng lên, và rốt cuộc người tiêu dùng sẽ phải gánh khoản chi phí này.

Lấy Tập đoàn công nghiệp Mỹ Cummins chuyên sản xuất động cơ từ các linh kiện được cung cấp từ Trung Quốc làm ví dụ. Trong ngắn hạn, tập đoàn này có hai lựa chọn: hoặc làm việc với mức lợi nhuận thấp hơn, hoặc chuyển các chi phí do việc tăng thuế lên người tiêu dùng.

Tuấn Trần