Bế tắc trong vấn đề giải quyết tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima không chỉ tác động lên ngoại giao, kinh tế, chính trị mà giờ đây còn có hiệu ứng dây chuyền đối với quá khứ không vui vẻ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đảo đá Dokdo/Takeshima
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm qua đã khơi lại vấn đề lịch sử và cho rằng Nhật Bản đang phải chịu sức ép vì đã chối bỏ trách nhiệm đối với các nô lệ tình dục của Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh thế giới II.

Seoul luôn yêu cầu Tokyo phải xin lỗi về những gì mà họ phải trải qua suốt thời kỳ quân đội Nhật đóng tại Hàn Quốc. Trên thực tế, nhiều lần Tokyo đã lên tiếng xin lỗi, nhưng vấn đề là Seoul cho rằng các lời xin lỗi này đều không được bao lâu.

Tờ Yonhap đưa ra ví dụ cho rằng Nhật lại rút lời xin lỗi khi mà tuần này, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong suốt thời gian chiếm đóng từ năm 1910-1945.

Jin Matsubara - Chủ tịch Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia - cũng đưa ra các tuyên bố tương tự. Ông Matsubara nói thêm rằng Nhật Bản nên xem xét lại lời xin lỗi năm 1993 mà Tổng thư ký Nội các Yohei Kono từng đưa ra về vấn đề nô lệ tình dục.

"Tuyên bố Kono" từng được coi là một yếu tố then chốt đặt nền tảng cho quan hệ hai nước.

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng từng nói rằng đảng Dân chủ Tự do của ông có thể sẽ tìm cách xem xét lại những lời xin lỗi từng đưa ra nếu như đảng này nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, với những bình luận mới đây, phía Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản là một láng giềng 'ngoan cố'.

"Xem xét lại tuyên bố Kono đồng nghĩa với việc Nhật Bản từ bỏ các nỗ lực để cải thiện quan hệ với Hàn Quốc" - Yun Deok-min, một nhà phân tích cấp cao tại Học viện Ngoại giao và An ninh Quốc gia của Hàn Quốc nói, cho dù ông tin rằng khả năng này là không cao.

Các sử gia cho biết có trên 200.000 phụ nữ, chủ yếu là người Hàn Quốc đã bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho các nhà thổ trong trại lính của Nhật trong suốt thời kỳ chiến tranh Thế giới II. Những phụ nữ này thường bị gọi là 'phụ nữ giải khuây'.

Vấn đề này vẫn luôn là một mối nhức nhối, nhạy cảm và chưa được giải quyết triệt để giữa hai quốc gia.

Seoul đã gây thêm sức ép đối với Tokyo để giải quyết những mối bất bình của các nạn nhân, và nói rằng vấn đề này đang ngày càng cấp thiết khi mà các nạn nhân đều đã già yếu, hầu như đã trên 80 tuổi. Rất nhiều người trong số họ đã mất trước khi nhận được lời xin lỗi hoặc khoản đền bù cho những mất mát trong quá khứ.

Hiện nay, còn khoảng 60 nạn nhân còn sống.

Vấn đề nạn nhân tình dục trong chiến tranh nay lại khơi ra trong bối cảnh giữa Tokyo và Seoul cùng bế tắc trong việc giải quyết tranh chấp ở quần đảo Dokdo/Takeshima. Hai bên đều tuyên bố chủ quyền đối với các đảo đá nằm ở khu vực giàu tài nguyên và là ngư trường lớn. Hàn Quốc hiện đang kiểm soát các đảo này.

  •  Lê Thu (Tổng hợp)