Cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 8h sáng và kết thúc lúc 6h chiều. Khoảng 650.000 tình nguyện viên có mặt tại 88.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước, làm công việc phát phiếu bầu và hỗ trợ kiểm phiếu.  

Vị trí thủ tướng Đức không được bầu trực tiếp trong cùng ngày. Hơn 60,4 triệu cử tri sẽ bầu ra Hạ viện gồm ít nhất 598 ghế cho nhiệm kỳ 4 năm tới, sau đó các đại biểu Quốc hội sẽ bầu ra Thủ tướng đứng đầu chính phủ mới.   

Tham gia cuộc đua năm nay có 47 đảng, và để giành quyền đại diện trong Quốc hội, một đảng giành được trên 5% số phiếu hoặc có 3 ứng viên được bầu trực tiếp.

{keywords}
Ba ứng viên dẫn đầu cuộc cạnh tranh ghế Thủ tướng Đức, gồm ông Armin Laschet (phải), bà Annalena Baerbock (giữa) và ông Olaf Scholz. Ảnh: FT

Về phía các ứng viên thủ tướng, họ đã trải qua 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Hiện khoảng cách tranh đua giữa đại diện 3 đảng dẫn đầu chiến dịch tranh cử gồm Armin Laschet của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU/CSU), Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Annalena Baerbock của đảng Xanh rất sít sao.

Theo các cuộc thăm dò, ứng viên Scholz của SPD đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ khoảng 24-25%. Trong lời kêu gọi cuối cùng gửi tới cử tri ở Potsdam, gần Berlin, ông này hé lộ có thể sẽ liên minh với đảng Xanh.

"SPD càng mạnh thì càng dễ dàng thành lập chính phủ mới", Scholz khẳng định.

{keywords}
Ông Olaf Scholz. Ảnh: AA

Trước nguy cơ CDU/CSU trở thành phe đối lập sau 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Angela Merkel đã có mặt tại cuộc vận động cuối cùng của CDU/CSU ở Aachen, quê nhà của ông Laschet, để thể hiện sự ủng hộ dành cho ứng viên này.

Nữ thủ tướng ca ngợi ông là một "người xây cầu sẽ đưa mọi người cùng lên tàu". Bà nêu bật thành tích của chính trị gia này trên cương vị Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia đông dân nhất nước Đức, nói rằng ông đã chiến đấu để bảo đảm từng công việc cho người dân và sẽ làm tốt điều đó khi trở thành Thủ tướng.

Cũng theo bà Merkel, lựa chọn ông Laschet sẽ đảm bảo nền kinh tế Đức tiếp tục vững mạnh và gắn kết nước này với những gì tốt đẹp nhất trên thế giới.

{keywords}
Thủ tướng Đức Angela Merkel và ông Armin Laschet tại cuộc vận động cử tri ngày 25/9. Ảnh: EPA

Bà Merkel lên nắm quyền ở Đức từ năm 2005 nhưng sẽ từ chức sau bầu cử, khiến cho cuộc bỏ phiếu lần này trở thành một sự kiện làm thay đổi thời đại và định hướng tương lai cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Do vậy, sự kiện thu hút sự chú ý cao độ của các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.   

Ngay trong đêm nay sẽ rõ đảng nào thắng cử. Tuy nhiên, do Quốc hội mới được bầu phải triệu tập trong vòng 30 ngày sau đó, nên nước Đức chưa thể có một chính phủ mới ngay lập tức.

Thanh Hảo

Nước Đức đứng trước tương lai bất định

Nước Đức đứng trước tương lai bất định

Ngày 26/9, nước Đức sẽ bước vào kỳ bầu cử Quốc hội Liên bang được dự đoán là rất khó đoán kết quả hơn ba kỳ bầu cử trước.