Thủ tướng Anh tuyên bố quốc hội sẽ tạm ngưng vào tuần thứ hai của tháng 9, và sẽ họp lại vào 14/10. Điều này nghĩa là các nghị sĩ sẽ có rất ít thời gian để chống lại Brexit không thỏa thuận.

Những người ký kiến nghị cho hay: “Quốc hội không thể tạm ngừng hay giải tán, trừ khi và cho đến khi khoảng thời gian trong Điều 50 được kéo dài đủ, hoặc ý định rời EU của nước Anh bị hủy bỏ”.

Kiến nghị có tên “Không đình chỉ Quốc hội" giờ đây sẽ phải được các nghị sĩ Anh đưa ra thảo luận, do đã đạt được mức yêu cầu 100.000 chữ ký.

{keywords}
Tuyên bố đình chỉ Quốc hội của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gặp phải những phản đối gay gắt.

Lãnh đạo đảng đối lập Jeremy Corbyn đã lên tiếng khẳng định rằng, ông sẽ nỗ lực chặn đứng một Brexit không thỏa thuận, và quyết định của thủ tướng “gây giận dữ, là mối đe dọa đến nền dân chủ”.

Chủ tịch Quốc hội John Bercow cũng đã cáo buộc ông Johnson đưa ra một quyết định “vi phạm Hiến pháp trắng trợn”, trang Guardian đưa tin. “Dù có được bao biện như thế nào đi nữa, thì mục đích của việc này rõ ràng là để Quốc hội ngừng thảo luận về Brexit và thực hiện nghĩa vụ của mình”, ông nói.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã gọi ngày 28/8 “thực sự là một ngày đen tối với nền dân chủ nước Anh”, và kêu gọi đồng lòng chống lại kế hoạch của ông Johnson.

Hôm 27/8, ông Jeremy Corbyn đã chủ trì một cuộc họp giữa lãnh đạo các đảng đối lập, nhằm tìm cách ngăn chặn một cuộc rút lui không thỏa thuận.

Trước đó, ông Corbyn đã viết thư gửi các lãnh đạo khác rằng ông dự kiến khởi xướng kiến nghị bỏ phiếu không tín nhiệm với chính phủ của ông Johnson. Nếu thành công, việc này sẽ dẫn đến sự thành lập của một chính phủ tạm quyền có thể chặn Brexit không thỏa thuận và tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên, ông Corbyn cho biết ông sẽ không kêu gọi bầu cử, mà sẽ có “dư thừa” thời gian để Quốc hội tranh luận về Brexit trước thời hạn 31/10 tới.

Anh Thư