Nếu muốn kẻ thù không tìm được vũ khí của mình thì đừng sử dụng chúng? Nhưng nếu không sử dụng chúng vì lo ngại bị phát hiện thì làm sao có thể biết được vũ khí đó hiệu quả đến đâu?

nga
Ảnh minh họa. Ảnh: Wikipedia

Nga từng gây xôn xao khi khẳng định rằng nước này đã phát hiện được các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ mà Washington phóng ở Syria nhưng không phát nổ. Các quan chức Nga cho biết việc xem xét 2 tên lửa Tomahawk mà quân đội Syria thu hồi được và chuyển giao cho Moscow sẽ giúp Nga phát triển các thiết bị gây nhiễu mới.

"Có tên lửa này trong tay, chúng tôi có thể hiểu rõ về các kênh liên lạc, thông tin, kiểm soát, dẫn đường và phạm vi tìm kiểm của nó... Hiểu được tất cả những thông số này, chúng tôi sẽ có thể đối phó hiệu quả hơn với những tên lửa tên lửa hành trình này ở mọi giai đoạn chiến đấu của họ", ông Vladimir Mikheev, một cố vấn của  Phó Tổng giám đốc tập đoàn điện tử sở hữu nhà nước của Nga KRET cho biết.

Các chuyên gia khác của Nga cũng nhận định rằng Tomahawk có thể tiết lộ những bí mật về hệ thống dẫn đường tên lửa mới nhất hiện nay.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu tên lửa mà hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ. Trong khi Moscow khẳng định có nhiều tên lửa bị bắn hạ thì Lầu Năm Góc lại tuyên bố rằng không có tên lửa nào.

Tuy nhiên, việc Nga đã thu hồi được một số tên lửa Tomahawk không phải là điều không thể xảy ra. Trong số 59 tên lửa được phóng ở Syria hồi tháng 4, có thể sẽ có 1 hoặc 2 tên lửa không phát nổ và bị phát hiện. Những vũ khí có sức công phá lớn thường gặp phải tình trạng không phát nổ: 30% vũ khí đạn dược khai hỏa trong Thế chiến I ở trận Somme đã không phát nổ, trong khi đó, tỷ lệ này ở các loại bom chùm hiện đại là 20%.

Phiên bản Block IV mới nhất của Tomahawk không phải là những chiếc Tomahawk của những năm 1980 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan hay trong Chiến dịch Bão Sa mạc. Block IV gần như một máy bay không người lái, có khả năng lượn quanh mục tiêu và gửi hình ảnh về cho bộ phận kiểm soát mặt đất trước khi được chỉ huy lao vào mục tiêu. Phiên bản mới này cũng có khả năng đổi hướng khi đang bay vào một trong số 15 mục tiêu đã được lập trình trước hoặc một nhóm các tọa độ GPS.

Tuy nhiên, nếu chỉ nằm ở việc gây nhiễu Tomahawk thì Mỹ hoàn toàn có khả năng điều chỉnh hệ thống tên lửa này nhằm khắc phục hạn chế trên. Đó sẽ lại là một ván cờ cũ của chiến tranh điện tử. Khi hệ thống liên lạc hoặc radar mới bị "nắm thóp" bằng việc gây nhiễu, thì sau đó chúng sẽ được nâng cấp bằng thiết bị chống gây nhiễu mới hoặc các biện pháp đối phó khác. Cuộc chiến vì thế vẫn sẽ tiếp tục. Và như trong bộ phim "Star Trek", khi nhân vật Spock nói với những người Romulan thì: "Bí mật quân sự là những thứ nhanh thay đổi nhất trong tất cả những yếu tố khác".

Theo vov.vn