Nga được cho là đang triển khai tên lửa hành trình mới tại Syria. Daily Beast nhận định, động thái này là nhằm cho thế giới thấy Nga có thể làm gì từ cách đó 2.735km.

Hôm 17/11, nhiều dấu hiệu cho thấy lần đầu tiên Nga cho triển khai loại tên lửa hành trình tối tân, ‘qua mặt’ các loại radar trong đợt oanh tạc rầm rộ tại Syria.

{keywords}

Máy bay ném bom chiến lược của Nga mang theo tên lửa Kh-101

Loại tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 có thể mang đầu đạn nặng 382kg, bay không dưới 2.735km với sự dẫn đường của vệ tinh. Tên lửa được Nga phát triển trong suốt ba thập kỷ.

Giờ đây, khi loại tên lửa này sẵn sàng đi vào hoạt động, Moscow có thể khẳng định rằng họ đang sở hữu tiềm lực không kích trên toàn cầu mà trước đó chỉ Mỹ mới có.

Đợt oanh tạc bằng máy bay ném bom chiến lược của Nga từ giữa tháng 11 đã khiến giới quan sát giật mình, ít nhất là như hồi Moscow bắt đầu đưa máy bay chiến đấu tới Syria hồi tháng 9, và tiếp sau đó là loạt tên lửa hành trình yểm trợ từ ngoài biển hồi tháng  10.

Lần không kích này Nga sử dụng 25 máy bay ném bom Backfire, Bear và Blackjack bay hàng ngàn km, cả lượt đi và về, để khai hỏa hàng chục tên lửa hành trình và thả hàng loạt bom.

Cùng với máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack và Tu-95 Bear (có thể bay hàng ngàn dặm mỗi lần xuất kích), tên lửa Kh-101 mang lại cho Nga tiềm lực không kích trên không toàn cầu và tàng hình.

Không như loại tên lửa hành trình Kh-55 phiên bản cũ có mũi tròn, Kh-101 có phần thân dẹt và một số tính năng khác, giúp tránh bị radar phát hiện. Một khi radar không ‘thấy’ Kh-101 bay tới, thì không ai có thể bắn hạ tên lửa này.

Các tên lửa Taurus và Storm Shadow của châu Âu có một số tính năng tàng hình, nhưng tầm bắn lại ngắn hơn nhiều, và các máy bay chiến đấu mang tên lửa này không thể bay xa như của Nga và Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nga không xác nhận chính thức việc máy bay ném bom của họ phóng Kh-101 vào Syria. Và thực tế có một khả năng là loại tên lửa này không tham gia đợt không kích trong tháng 11 do hình ảnh trong video mà Nga công bố không rõ ràng.

Chứng cứ xác thực nhất cho tới lúc này về việc Kh-101 tham chiến, là hình ảnh được cho là mảnh vỡ của tên lửa này rơi trên mặt đất ở Syria.

Pavel Podvig – một nhà phân tích quân sự độc lập ở Geneva (Thụy Sĩ) - nhận định rằng chẳng có lý do gì mà Moscow lại không sử dụng tên lửa mới. “Tất cả những gì tôi có thể nói là Kh-101 đã được thử nghiệm và đã sẵn sàng (chiến đấu)”.

Tất nhiên, loại tên lửa mới này không hẳn sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực tại Syria hay chấm dứt được cuộc nội chiến ở nơi này.

Trên thực tế, lực lượng không quân các nước đã oanh tạc Syria nhiều năm bằng những loại máy bay và đạn dược mạnh nhất của họ, nhưng cho đến nay vẫn không thay đổi được chiều hướng tệ hại của cuộc xung đột này.

Lê Thu