Giải pháp ngoại giao là một cách để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, cho dù khả năng thành công có xa vời đến đâu. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cố gắng làm giảm căng thẳng cho mối bất hòa kéo dài 4 thập kỷ giữa Mỹ-Iran trong chuyến thăm gần đây của ông tới Tehran.

Trong khi ông Abe có các cuộc gặp với những nhà lãnh đạo của Iran, đã có nhiều báo cáo được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo lên tiếng cáo buộc chính quyền Tehran đã gây ra vụ tấn công vào những tàu chở dầu thuộc sở hữu của Nhật Bản và Na-Uy trên vịnh Oman. 

{keywords}
Những nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm làm giảm căng thẳng Mỹ-Iran. Ảnh: Kyodo

Chính quyền Iran đã bác bỏ những cáo buộc và Mỹ cũng không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Chính quyền Washington đã đưa ra những lời buộc tội tương tự sau khi bốn tàu chở dầu bị tấn công ngoài vịnh của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất hôm 12/5 và máy bay không người lái tấn công 2 trạm bơm dầu của Ảrập Xêút hôm 14/5. Trước đó, Mỹ cũng phái tàu sân bay tới khu vực Trung Đông nhằm chống lại những mối đe dọa từ Iran.

Trước đây, mối quan hệ giữa Washington và Tehran luôn trong tình trạng đối địch từ năm 1979. Tuy nhiên, quan hệ hai nước cũng đã có những lúc được cải thiện khi Iran và nhóm P5+1 ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nhưng với động thái ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi 2018 đã khiến quan hệ Mỹ-Iran đã căng thẳng trở lại.

Ngoài ra, hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ cũng buộc các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,... ngừng nhập khẩu dầu từ Iran hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã khiến việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran bị giảm mạnh.

Thủ tướng Abe có vẻ như đã không đạt được mục tiêu hòa giải Mỹ và Iran trong chuyến thăm lần này, nhưng Mỹ-Iran liên tục đưa ra những tuyên bố về việc không muốn chiến tranh xảy ra. Và nhất là ông Trump trong những phát biểu của mình trên Twitter cũng cho thấy sự thận trọng của ông trong các quyết định liên quan tới những chính sách ngoại giao.

Điều này được thể hiện rất rõ ràng khi Tổng thống Trump có những cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ông Trump tiết lộ rằng ngay cả với những quốc gia đối địch, ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán cũng như đối thoại.

Dù ông Abe có đạt được mục tiêu trong chuyến thăm Iran hay không, thì điều này cũng khiến Washington quan tâm hơn tới việc ổn định khu vực Trung Đông. Với căng thẳng leo thang sau cuộc tấn công mới nhất vào tàu chở dầu, Mỹ và Iran cần có mọi lý do để tăng cường cho những nỗ lực đối thoại.

Tuấn Trần