Theo Yonhap, tại một cuộc họp báo thường nhật sáng nay, 25/2, ông Kim Eui-kyeom, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc (Cheong Wa Dae) tuyên bố: "Tôi tin, khả năng hai nguyên thủ ra tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên vẫn để ngỏ. Không có cách nào biết đó là kiểu tuyên bố như thế nào, nhưng tôi cho rằng Mỹ và Triều Tiên có thể đạt thỏa thuận về tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở bất kỳ mức độ nào".

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: Korea Times

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 27 - 28/2, tức là 8 tháng sau cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Singapore hồi năm ngoái.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) đã kết thúc cách đây 66 năm bằng một thỏa thuận đình chiến, thay vì một hiệp định hòa bình. Seoul nhấn mạnh, việc ra tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc chiến này đòi hỏi sự tham gia ít nhất của cả hai miền nam - bắc Triều Tiên và Mỹ.

Theo phát ngôn viên của Cheong Wa Dae, hai miền nam - bắc Triều Tiên thực tế có thể đã ra tuyên bố kết thúc chiến tranh khi quân đội hai bên ký thỏa thuận từ bỏ mọi hoạt động thù địch sau chuyến công du Bình Nhưỡng lần thứ ba và hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 9/2018.

Ông Kim Eui-kyeom quả quyết, Seoul và Bắc Kinh có thể đã làm tương tự khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan chức này nói thêm, Mỹ và Trung đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1979. (Trung Quốc đã trợ giúp Bình Nhưỡng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên). 

"Vì vậy, các quốc gia duy nhất còn lại là Mỹ và Triều Tiên. Nếu Mỹ và Triều tuyên bố chấm dứt chiến tranh, việc đó (kết thúc cuộc chiến) sẽ chính thức đạt được trong thực tế. Có thể còn nhiều cách và chính phủ của chúng tôi hoan nghênh mọi dạng tuyên bố chấm dứt chiến tranh", ông Kim giải thích.

Phát ngôn viên của Cheong Wa Dae cho rằng, điều quan trọng hơn hiện nay là đảm bảo quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên suôn sẻ thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh và đẩy mạnh tốc độ giải trừ hạt nhân. Ông thừa nhận, việc thay thế thỏa thuận đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình sẽ mất một thời gian và quá trình đó đòi hỏi nỗ lực đa phương, bao gồm cả hai miền nam - bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Tuấn Anh