Thể hiện một mặt trận thống nhất, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm, hai tuần sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cảnh báo sẽ phóng một vũ khí mới.

{keywords}
Lao động Triều Tiên làm việc năm 2007 ở một nhà máy giày thuộc khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Khu công nghiệp này sau đó bị đóng cửa vì căng thẳng trên bán đảo.

Trong nỗ lực được Liên Hợp Quốc ủng hộ nhằm ngăn chặn dòng tiền của Triều Tiên, Mỹ thông báo sẽ phong tỏa bất kỳ tài khoản nào ở Mỹ của hai công ty bị phạt, cấm mọi giao dịch với hai thực thể này.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắm đến Tập đoàn Thương mại Korea Namgang, một hãng Triều Tiên mà Washington cho là đang duy trì lao động ở Nga, Nigeria và Trung Đông. Bên cạnh đó là Beijing Sukbakso, một công ty Trung Quốc chuyên giải quyết chuyện chỗ ở và chuyển tiền cho lao động Triều Tiên.

"Việc xuất khẩu lao động người Triều Tiên làm tăng thu nhập bất hợp pháp cho chính phủ nước này, vi phạm các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định trong một thông báo.

Theo một nghị quyết Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua năm 2017, các nước có thời gian đến ngày 22/12/2019 để cho tất cả các lao động Triều Tiên hồi hương. Giới chức Mỹ cho biết, trong năm 2017, Triều Tiên có khoảng 100.000 lao động ở nước ngoài, mang về khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Họ chủ yếu làm việc ở các công trường xây dựng.

Nghị quyết năm 2017 ra đời sau khi Triều Tiên thực hiện một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa. Sau ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành đối thoại, với ba hội nghị thượng đỉnh đáng nhớ với Chủ tịch Kim Jong Un. Dù vậy, hai bên không đạt được nhiều tiến bộ vì Bình Nhưỡng không thể thuyết phục được Mỹ bỏ cấm vận để đổi lấy Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

{keywords}
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã gặp nhau trực tiếp 3 lần nhưng chưa khơi thông được bế tắc liên quan phi hạt nhân hóa. 

Trong bài phát biểu ngày 1/1/2020, ông Kim Jong Un cảnh báo sẽ không tuân thủ lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và hạt nhân mà Triều Tiên tự áp đặt, đồng thời khẳng định sẽ thử một vũ khí hủy diệt mới.

Khi được hỏi hôm 14/1 về đe dọa của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mike Esper từ chối đưa ra nhận định nhưng tuyên bố Mỹ luôn "sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết". Tuy nhiên, quan chức này khẳng định con đường tốt nhất tiến về phía trước là thông qua một giải pháp ngoại giao dẫn đến phi hạt nhân hóa Triều Tiên".

Tại cuộc họp báo ở lầu Năm Góc cùng với ông Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono khẳng định Tokyo ủng hộ áp lực của Mỹ lên Triều Tiên. Nhật Bản hy vọng "Kim Jong Un có thể tiến tới đối thoại, và, hy vọng, ông ấy sẽ đưa ra quyết định đúng cho người dân của mình", ông Kono nói.

Cùng ngày 14/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-hwa ở gần San Francisco với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Bộ ba "nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa ba nước là cần thiết để đảm bảo tương lai hòa bình trong khu vực", theo phát ngôn viên Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Thanh Hảo