Bộ Năng lượng Mỹ mới đây đã chính thức từ chối yêu cầu của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ liên quan đến việc cung cấp thông tin về quy mô kho vũ khí hạt nhân của nước này. Động thái đã phá vỡ thông lệ tồn tại gần một thập kỷ qua của cơ quan. Hồi tháng trước, Lầu Năm góc cũng quyết định không công khai các thông tin như vậy.

{keywords}
Mỹ co triển khai và cất trữ các đầu đạn hạt nhân ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp nước này. Ảnh: Google Maps

Tuy nhiên, tổ chức phi lợi nhuận có tên "Tuần tin của các nhà khoa học nguyên tử" ước tính, Mỹ hiện có gần 3.800 đầu đạt hạt nhân, trong đó 1.300 đầu đạn đã được lắp đặt cho các tên lửa đạn đạo, 300 đầu đạn được trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược đang đồn trú ở các căn cứ trên khắp nước Mỹ, 150 đầu đạn cung cấp cho các căn cứ nằm rải rác khắp châu Âu và 2.050 đầu đạn dự trữ trong kho.

Hãng thông tấn Sputnik trích dẫn báo cáo "Các lực lượng hạt nhân Mỹ năm 2019" của tổ chức phi lợi nhuận nói trên cho biết thêm, Mỹ hiện cũng đang sở hữu gần 2.385 đầu đạn không còn hoạt động hoặc dự kiến sẽ bị vứt bỏ trước năm 2030. Nếu tính gộp cả các đầu đạn không còn hoạt động, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ lên tới gần 6.185 đầu đạn đang được cất trữ ở 24 địa điểm khác nhau thuộc 11 bang của nước này và 5 quốc gia châu Âu đồng minh.

Bình luận về quyết định không công khai thông tin của Lầu Năm góc, các nhà nghiên cứu độc lập lên án động thái đã đi ngược lại chính sách minh bạch hóa hạt nhân trước đây của Washington. Họ cảnh báo, "nếu không được đảo ngược, quyết định sẽ tạo ra tình trạng không rõ ràng và thiếu tin tưởng về quy mô kho hạt nhân Mỹ".

Theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới do Mỹ và Nga ký kết năm 2010, các cường quốc hạt nhân có nghĩa vụ phải giảm bớt kho hạt nhân của họ sao cho không vượt quá tổng cộng 700 tên lửa và máy bay ném bom, 1.550 đầu đạn đang trong biên chế hoạt động cùng 800 máy phóng tên lửa, bao gồm cả dự trữ và đang hoạt động.

Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi đầu năm nay, Moscow bày tỏ lo ngại số phận của hiệp ước START mới cũng sẽ lâm nguy khi hết hạn vào năm 2021.

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển) thống kê, Nga và Mỹ hiện tiếp tục là những nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với lần lượt 6.850 và 6.450 đầu đạn. Pháp, Trung Quốc, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên đang nắm trong tay kho vũ khí nhỏ hơn với số lượng đầu đạn hạt nhân lần lượt là 300, 280, 215, 140-150, 130-140, 80 và 10-20 đầu đạn.

Tuấn Anh