Chính phủ Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump đã thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Iran. Washington hiện đang tìm cách gia hạn lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm khiến Tehran không thể nhập khẩu công nghệ và các tên lửa sử dụng trong cả hệ thống vũ khí thông thường cũng như hệ thống vũ khí hạt nhân.

{keywords}
 

Trong một bài xã luận mới đăng tải trên tạp chí Wall Street Journal hôm 13/5, Brian Hook, đặc phái viên Mỹ về Iran và cũng là cố vấn cấp cao về chính sách cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết, Washington sẽ đảm bảo lệnh cấm vận vũ khí nói trên vẫn được duy trì "bằng cách này hay cách khác".

Ông Hook nói thêm, Mỹ đã soạn thảo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an và sẽ thúc đẩy việc thông qua văn bản này "bằng ngoại giao và xây dựng sự ủng hộ".

Theo Sputnik, sau 13 năm triển khai, lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 năm nay. Hầu hết các lệnh cấm vận khác của Liên Hợp Quốc chống quốc gia Hồi giáo đã được dỡ bỏ năm 2016, sau khi Iran ký kết thỏa thuận hạt nhân quốc tế (JCPOA) với các cường quốc.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018, viện dẫn lí do thỏa thuận còn nhiều lỗ hổng và chỉ có lợi cho Iran, bất chấp sự phản đối của các nước ký kết còn lại gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Washington đồng thời cũng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và lĩnh vực tài chính của Tehran.

Trong thỏa thuận JCPOA có các điều khoản cho phép khôi phục cấm vận nếu Iran không tuân thủ những cam kết hạt nhân đã ký. Thực tế, Iran đã bắt đầu giảm dần việc tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận hồi tháng 5/2019 để gâp áp lực buộc các nước châu Âu bảo vệ họ trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tehran cũng thông báo ngưng thực hiện thỏa thuận hồi tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, nhà chức trách Iran vẫn cho phép các chuyên gia giám sát chương trình hạt nhân quốc tế đến nước này, đồng thời cam kết sẽ tái tuân thủ thỏa thuận nếu phía Mỹ cũng làm điều đó.

Đáng nói, mặc dù Mỹ đã "xé bỏ" JCPOA nhưng Hội đồng Bảo an chưa bao giờ sửa đổi nghị quyết phê chuẩn việc loại bỏ nước này khỏi thỏa thuận. Bộ Ngoại giao Mỹ được cho là đang tận dụng việc đó để có thể thúc ép việc gia hạn lệnh cấm vũ khí với Iran.

Cả Iran và Nga hiện đều đã lên tiếng phản đối việc kéo dài lệnh cấm vận nói trên của Hội đồng Bảo an.

Nguyễn Khuyên