Theo trang tin của Russia Today, Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan đã chuyển tới Bộ Ngoại giao Nga bản hồi đáp từ cả Washington lẫn NATO về dự thảo hiệp ước song phương của Nga được công bố vào giữa tháng 12 năm ngoái. Moscow đã đề xuất 8 điểm trong dự thảo và mong đợi một câu trả lời chi tiết đối với từng điểm này.

Cụ thể, Mỹ được yêu cầu ngưng bất kỳ động thái mở rộng quân sự nào của NATO về phía Đông Âu cũng như các chương trình quân sự ở những nước không phải thành viên NATO và từng là một lãnh thổ của Liên Xô. Ngoài ra, Washington cũng phải cam kết “không bao giờ” kết nạp Ukraina và Gruzia vào NATO, đồng thời sớm loại bỏ vũ khí hạt nhân của mình khỏi châu Âu, và không triển khai bất kỳ vũ khí tấn công nào có khả năng nhắm vào Nga dọc theo biên giới của nước này. Moscow cũng yêu cầu những bảo đảm mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả những vấn đề trên.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken  trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C. hôm 26/1. Ảnh: Reuters

Bản hồi đáp được Đại sứ Sullivan gửi tới Bộ Ngoại giao Nga đã lặp lại đề nghị của Mỹ trong việc muốn đàm phán với Nga về một số khía cạnh của an ninh châu Âu.

Tuy nhiên, phát biểu tại buổi họp báo tại Washington D.C. hôm 26/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định việc Mỹ ủng hộ quyền của Ukraina trong việc theo đuổi tư cách thành viên NATO vẫn là một trong những nguyên tắc căn bản.

“Không đi vào chi tiết cụ thể của bản hồi đáp, tôi có thể nói với các bạn rằng nó vẫn lặp lại những gì chúng tôi đã khẳng định công khai trong nhiều tuần, thậm chí nhiều năm. Đó là việc chúng tôi vẫn sẽ duy trì nguyên tắc mở cửa của NATO”, Ngoại trưởng Blinken cho biết, theo báo Guardian. “Sẽ không có gì thay đổi ở đây”.

Ông Blinken cũng nói thêm rằng, tài liệu này sẽ không được công bố vì “chúng tôi cho rằng cơ hội tốt nhất để thành công về mặt ngoại giao sẽ đạt được nếu tạo một không gian cho các cuộc đàm phán bí mật".

NATO cũng bày tỏ phản ứng riêng của mình với Moscow hôm 26/1, trong đó nêu rõ thông điệp về quyền theo đuổi tư cách thành viên của Ukraina tương tự như Mỹ.

“NATO là một liên minh phòng thủ và chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về các giá trị mà liên minh của chúng tôi đặt ra”, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói với các phóng viên.

Ông Stoltenberg cũng cho biết, quyền quyết định sẽ tùy thuộc vào 30 quốc gia thành viên NATO về việc khi nào và có nên kích hoạt Lực lượng phản ứng NATO (NRF) hay không. Đây là một kế hoạch dự phòng nhằm củng cố sườn phía đông của liên minh trong trường hợp Nga có những động thái gây căng thẳng.

Những phản ứng trên được đưa ra giữa lúc các phái đoàn của Nga và Ukraina nhóm họp ở Paris cùng các quan chức của Pháp và Đức, trong một nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm làm giảm tình hình căng thẳng tại khu vực.

Kết thúc cuộc họp, bốn nước đã ra tuyên bố chung ủng hộ việc “tuân thủ vô điều kiện lệnh ngừng bắn” và đồng ý gặp lại nhau sau 2 tuần nữa tại Berlin (Đức).

>>> Đọc tin thế giới trên VietNamNet

Việt Anh

Nga cảnh báo hậu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ

Nga cảnh báo hậu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ

Điện Kremlin cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh sẽ không gây tổn hại đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng sẽ "mang tính hủy hoại về mặt chính trị".

Nga triển khai tiểu đoàn tác chiến điện tử tới sát biên giới với Ukraina

Nga triển khai tiểu đoàn tác chiến điện tử tới sát biên giới với Ukraina

Quân đội Nga đã triển khai một tiểu đoàn tác chiến điện tử mới tại vùng Belgorod sát biên giới với Ukraina, trong khi một hạm đội của nước này cũng triển khai tập trận rầm rộ trên Biển Đen ở cùng thời điểm.