Vào mỗi buổi chiều oi ả tại thành phố Faridabad thuộc bang Haryana miền bắc Ấn Độ, nhân viên thu gom rác thải Ashok lại đi tới từng nhà dân để thu gom rác. Một số người dân hé cửa để đưa rác cho anh, trong khi một số khác đứng trên ban công và ném túi rác về phía xe tải.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, anh Ashok cùng nhiều đồng nghiệp làm công việc thu gom rác thải, nhưng kể từ khi lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng thì anh buộc phải đi làm một mình. Cũng như nhiều người khác, anh Ashok lo lắng và sợ hãi về dịch bệnh, nhưng vì ‘miếng cơm manh áo’ nên anh đành chấp nhận.

Số liệu thống kê từ SCMP cho thấy, hiện toàn Ấn Độ có khoảng 1,5-4 triệu nhân viên thu gom rác thải. Và họ luôn thiếu các trang thiết bị nhằm đảm bảo sức khỏe. Việc dịch Covid-19 đang hoành hành tại quốc gia Nam Á này đang khiến nguy cơ nhiễm bệnh của lực lượng thu gom rác tại Ấn Độ trở nên lớn hơn bao giờ hết.

{keywords}
Nguy cơ nhiễm bệnh của lực lượng thu gom rác tại Ấn Độ ngày một lớn. Ảnh: AP

Rác thải của các hộ gia đình Ấn Độ thường được phân loại bởi các công nhân vệ sinh. Tuy nhiên khi số bệnh nhân dương tính hoặc đang cách ly tại nhà do Covid-19 ở Ấn Độ ngày một tăng cao, thì rác thải của những người này như khăn giấy hay khẩu trang đã qua sử dụng, hoặc các trang thiết bị y tế hoàn toàn có thể lây nhiễm bệnh cho lực lượng công nhân xử lý rác.

“Chúng tôi nhận ra rằng, rác thải sinh học liên quan tới y tế được tạo ra bởi các hộ gia đình cực kỳ nguy hiểm. Hơn nữa sau khi các hộ gia đình dọn vệ sinh thì bìa các-tông, nhựa và giấy họ vứt đi hoàn toàn có khả năng mang mầm bệnh. Rác thải là thứ chúng ta không thể khử trùng”, SCMP trích lời Giám đốc nhóm Nghiên cứu và Hành động vì môi trường Chintan Bharati Chaturvedi nói.

Hồi tháng Ba, Cơ quan Quản lý rác thải Ấn Độ (CPCB) đã cập nhật những hướng dẫn về việc xử lý rác thải trong quá trình điều trị cách ly những bệnh nhân dương tính và các ca nghi nhiễm Sars-CoV-2. Đối với các trại tập trung cách ly do chính phủ lập ra, CPCB đưa ra khuyến cáo nên tập trung rác thải vào túi màu vàng và cho vào thùng trước khi bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý.

Tuy nhiên, quy định này đối với các hộ gia đình gần như không có hiệu lực, khiến công tác xử lý rác thải khó thực hiện hơn. Dĩ nhiên vấn đề không chỉ nằm ở rác thải của các hộ gia đình, bởi hệ thống theo dõi phân loại rác thải tại Ấn Độ không hoạt động hiệu quả, ngay cả khi đó là rác thải tới từ các bệnh viện và cơ sở y tế.

{keywords}
Rác thải y tế thời Covid-19 khiến giới chức y tế Ấn Độ đau đầu. Ảnh: Bloomberg

Bà Chaturvedi cho biết, Ấn Độ trong năm 2018 mỗi ngày thải ra hơn 608 tấn rác thải y tế, và chỉ có 87% trong số đó được xử lý đúng quy trình. Số rác còn lại thường bị lẫn vào rác thải thông thường, hoặc bị đổ trái phép ở đất nông nghiệp. Theo bà, trong năm 2018 đã có hơn 27.400 vụ việc liên quan tới rác thải y tế bị phanh phui.

Và nay, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ đã khiến vấn đề rác thải y tế ngày càng khó kiểm soát hơn. Hồi cuối tháng Ba, một người đàn ông tại thành phố Mumbai đã bị bắt giữ khi định bán lại hơn 100.000 khẩu trang đã qua sử dụng

Ngoài dịch bệnh, lực lượng thu gom rác thải tại Ấn Độ cũng phải đối mặt với vấn đề không thể đi làm do lệnh phong tỏa được áp dụng.

“Tôi không thể đi làm và chồng tôi cũng vậy, và mỗi ngày không đi làm thì con của chúng tôi phải đối mặt với cái đói. Tôi cũng lo lắng về việc con cái mình bị nhiễm bệnh, nhưng nếu chúng tôi không đi làm để có tiền mua thực phẩm thì chúng tôi sẽ chết chắc”, SCMP trích lời cô Sahana Khatun, một người đi thu gom rác thải nói.

Tuấn Trần