Việc Nga can thiệp vào Syria là chiến dịch quân sự đáng chú ý nhất trong thời kỳ Tổng thống Putin cầm quyền. 

Tờ National Interest đăng bài viết của ông Mikhail Barabanov - Tổng Biên tập tờ Moscow Defense Brief cho biết, việc Nga can thiệp vào Syria hơn tất thảy đánh dấu sự trở lại trường quốc tế của Moscow với tư cách là một người chơi mà những cường quốc khác – do Mỹ dẫn đầu – phải đối đầu, dẫu là miễn cưỡng.

Việc Nga đưa quân tới Syria là một bước đi đầy rủi ro về mặt quân sự, chính sách đối ngoại lẫn đối nội. Về mặt chiến lược, quyết định này nên được nhìn nhận trong bối cảnh một cuộc chơi toàn cầu giữa Nga và Mỹ. Đây là một động thái mạnh mẽ nhằm tạo đà sửa chữa lại mối quan hệ Nga – Mỹ, vốn đã tổn thương nặng sau loạt sự kiện giai đoạn 2014-2015, gồm cả Ukraina.

Trong một chừng mực nào đó, những chiến thuật này có hiệu quả khi mà Mỹ buộc phải nối lại quan hệ quân sự với Nga sau màn phô trương cấm vận đầu năm 2014.

{keywords} 

Cốt lõi trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria chính là bản chất 2 mặt của nó. Một mặt, mục tiêu được tuyên bố chính thức của chiến dịch là nhằm đánh bại những kẻ cực đoan và phiến quân IS tự xưng. Mặt khác, đây lại là hành động nhằm hỗ trợ cho chính quyền ông Bashar al-Assad.

Có thể thấy rằng, quyết định của Kremlin can thiệp quân sự vào Syria phần lớn là do kế hoạch của các quốc gia phương Tây nhằm thiết lập ‘vùng cấm bay’ được thảo luận kín nhiều tháng gần đây, nhằm bảo vệ lực lượng ‘đối lập ôn hòa’ tại Syria khỏi quân đội chính phủ Syria (SAA).

Điều này sẽ không khác gì kịch bản như tại Libya hồi năm 2011, mà thực chất là một sự quá độ thành chiến dịch không kích quy mô lớn do phương Tây trực tiếp phát động (cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh) chống lại lực lượng trên bộ của ông Assad.

Với việc nhất quyết triển khai quân dưới danh nghĩa chống IS, Nga đã phá hỏng quyết định thành lập ‘vùng cấm bay’ chưa đạt được sự nhất trí của những quốc gia phương Tây. Vấn đề là Nga có thể duy trì được danh nghĩa đó trong khoảng thời gian bao lâu và hiệu quả sẽ như thế nào.

Trong sáu ngày đầu chiến dịch của Nga (từ 30/9-5/10), nhóm 30 máy bay tấn công đóng tại căn cứ Latakia (12 chiếc Su-24, 12 chiếc Su-25 và 6 chiếc Su-34) của Không quân Nga (ASF) đã tiến hành 120 đợt tấn công vào 51 mục tiêu.

Trong khi đó, từ 14/6/2014-29/9/2015, trong chiến dịch Inherent Resolve nhằm tiêu diệt IS tại Iraq và Syria, liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành 56.819 đợt xuất kích (bao gồm các chuyến bay hỗ trợ) và thực hiện 7.162 đợt không kích, riêng tại Syria là 2.579. Thật sai lầm nếu cho rằng các đợt oanh tạc đó có bất kỳ tác động đáng kể nào lên hoạt động của IS, chưa nói tới việc hủy diệt cả ‘Vương quốc’ IS.

Đáng chú ý, liên quân phương Tây hầu như chỉ sử dụng các loại vũ khí chính xác (còn Nga lại sử dụng nhiều các loại bom trọng trường); liên quân có trinh sát, lựa chọn mục tiêu và các cơ sở tấn công hiệu quả hơn nhiều so với Nga; và có kinh nghiệm dày dặn hơn suốt 25 năm triển khai và tác chiến trong khu vực, lại được bổ sung các máy móc trang bị đủ nhiên liệu để tác chiến và chiến đấu trên không.

Do vậy, các đợt không kích của Nga rất hạn chế và chủ yếu có tầm quan trọng về mặt tinh thần tác động lên lực lượng IS. Nhưng hành động của không quân Nga lại có tác động phụ về mặt chiến lược lên tình thế tại tuyến đầu cuộc chiến của SAA chống lại các nhóm nổi dậy – dù là các nhóm ‘ôn hòa’ do phương Tây bảo trợ hay là lực lượng Hồi giáo cực đoan như Al-Nusra.

Ở một chừng mực nào đó, các đợt không kích của Nga phá được vòng vây quanh lực lượng ủng hộ ông Assad thì các mục tiêu của Damascus sẽ là hoàn toàn loại trừ khu vực quanh Aleppo, ổn định vị thế ở nam Syria và nữa là chiếm lại Palmyra từ IS, đẩy lui lực lượng này vào sa mạc Syria. Khi đó, sự tồn vong của chính quyền Assad không còn gặp nguy hiểm.

Trong khi đó, phe đối lập (cả ôn hòa lẫn cực đoan) đều đang dồn lực cho chiến trận trong tháng 12 cho tới tháng 1 năm sau tại dọc các hướng then chốt. Mỹ và quân đồng minh cung cấp vô số đạn dược cho phe ôn hòa, và việc Nga nhập cuộc chỉ làm thúc đẩy quá trình này mạnh hơn.

Sự hiện diện của quân Nga là nhân tố quan trọng nhằm trì hoãn sức tấn công của phe đối lập, có thể kéo dài tới tháng Giêng, và điều này có lợi cho quân chính phủ. Tại Syria, thời gian từ tháng 2-4 là mùa bão cát nên các bên đều ngừng chiến sự.

Nếu Damascus và Moscow có cơ may thì tình hình sẽ ngã ngũ vào mùa xuân 2016, mở ra triển vọng đàm phán cho tương lai Syria với sự tham gia của chính quyền Assad, phe đối lập ‘ôn hòa’, các bên bảo trợ và một bộ phận Hồi giáo chừng mực (không phải IS hay Nusra).

Lúc này, câu hỏi căn bản là sự hiện hữu của Syria trong đường biên giới hiện tại. Chiến thắng hoàn toàn IS về mặt quân sự là điều bất khả trong tương lai gần. Và ‘Vương quốc Hồi giáo’ của họ vẫn là vùng rộng lớn trên đất Syria và Iraq bất kể Mỹ có tăng cường chiến dịch tấn công IS.

‘Vương quốc Hồi giáo’ IS chỉ có thể bị tiêu diệt bằng can thiệp quân sự quy mô lớn bởi lực lượng trên bộ của phương Tây do Mỹ cầm đầu, mà trong vài năm tới thì điều này khó xảy ra.

Mặt khác, lực lượng Nga tại Syria chỉ có thể tham chiến phần nào với IS, và nhường các mục tiêu chính của cuộc chiến chống IS cho Mỹ, còn Nga tranh thủ đẩy lui các lực lượng chống Assad. Và khi Mỹ cùng đồng minh tham chiến nhiều hơn chống IS, thì họ cùng lúc hỗ trợ nhiều hơn cho phe ‘ôn hòa’ chống Assad, điều có thể khiến cho quan hệ Nga – Mỹ rạn nứt thêm.

Khi đó, kịch bản xấu nhất là nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và phương Tây leo thang khi tham chiến. Hoặc viễn cảnh ít khả năng hơn là Nga đem quân đổ bộ vào Syria và sa lầy trong một cuộc chiến ‘vô vọng’, trong khi quan hệ với phương Tây vẫn xấu đi nghiêm trọng.

Do đó, hành động của Nga ở Syria thành bại tới đâu sẽ dựa trên khả năng thao tác hàng loạt động tác chính trị một cách khéo léo, chẳng hạn như củng cố vị thế quân sự và chính trị của ông Assad mà vẫn tránh làm xấu đi quan hệ với Mỹ và phương Tây (thậm chí còn phải cải thiện).

Trong mọi trường hợp, cách tốt nhất cho Nga là tránh bị kéo vào cuộc không chiến lê thê, giảm thiệt hại xuống thấp nhất, lựa chọn thấu đáo và linh hoạt các mục tiêu ‘chính trị’ để không kích, tránh đối đầu với phương Tây ở khu vực và hơn hết cả là rút khỏi chiến dịch một cách đúng lúc.

Lê Thu