Ngày 26/3, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha tuyên bố đối tượng cầm đầu nhóm đột nhập Đại sứ quán Triều Tiên đã liên lạc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để "ra giá" về phần dữ liệu chúng đánh cắp chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ tấn công ngày 22/2, hãng tin Reuters dẫn văn bản chính thức của tòa đưa tin.

{keywords}
Bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha. (Ảnh: AP)

Tòa án xác định tên Adrian Hong Chang, quốc tịch Mexico, là chủ mưu và thủ lĩnh của nhóm tấn công, đã liên hệ với FBI ở New York 5 ngày sau khi đột nhập Đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha. Tên Adrian nói với FBI rằng hành động này là chủ ý của hắn. Những tên khác trong nhóm đột nhập còn gồm công dân Mexico, Mỹ và Hàn Quốc.

Hiện phía Mỹ chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về vấn đề này, trong khi Đại sứ Hàn Quốc tại Tây Ban Nha Chun Hong-jo khẳng định Chính phủ Hàn Quốc không có mối liên quan tới vụ đột nhập.

Trước đó đầu tháng, báo El Confidencial đưa tin các cơ quan tình báo Mỹ có thể đứng sau vụ tấn công vào cơ sở ngoại giao của Triều Tiên tại Madrid, trong đó nhóm đối tượng đột nhập Đại sứ quán, bắt giữ nhân viên làm việc và lấy đi máy tính. Một trong những nhân viên đại sứ quán đã may mắn trốn thoát ra ngoài và liên lạc với cảnh sát.

Bài viết đề cập Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha và đơn vị tình báo nước ngoài thuộc Trung tâm Tình báo Quốc gia (CNI) đang điều tra kỹ lưỡng để xác định xem đã thực sự xảy ra chuyện gì khi đó. CNI nghi ngờ phương thức cơ sở ngoại giao của Triều Tiên bị tấn công giống với “cách thức làm việc” của các đơn vị tình báo Mỹ. Tờ báo còn dẫn lời của nhân viên Đại sứ quán nói với các điều tra viên rằng một số đối tượng đột nhập nói được tiếng Hàn Quốc, và có thể là người gốc Hàn Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, báo El Mundo đưa tin nhóm tấn công tìm cách thu thập thông tin về cựu Đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha Kim Hyol Chol.

Theo Baotintuc