Trường hợp xấu nhất, nạn đói có thể diễn ra ở “khoảng gần 40 quốc gia”, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cho biết hôm 21/4. Trong số này, 10 nước hiện đã có hơn 1 triệu người đang đứng bên bờ vực chết đói, ông nói.

{keywords}
LHQ cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên nguồn cung lương thực toàn cầu

Ông Beasly đưa ra các lý do như xung đột, suy thoái kinh tế, sự tụt giảm tiền viện trợ và giá dầu sụp đổ - là các yếu tố nhiều khả năng sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt lương thực trên diện rộng. Ông kêu gọi các hành động cấp bách để ngăn ngừa thảm họa.

“Trong lúc chúng ta đương đầu với đại dịch Covid-19, chúng ta cũng đang ở bên bờ vực của đại dịch đói”, ông Beasly phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Cũng có một mối nguy hiểm cận kề rằng có thể sẽ có nhiều người chết do tác động kinh tế của Covid-19 hơn là do chính virus”.

WFP trước đó cảnh báo, 2020 sẽ là một năm có sức tàn phá rất lớn đối với rất nhiều các quốc gia đang bị chiến tranh hoặc nghèo đói giày xéo, với 135 triệu người phải đối mặt với nạn đói ở mức độ khủng hoảng hoặc tệ hơn. Giờ đây, con số dự đoán sau khi cập nhật đã tăng lên gần gấp đôi con số này.

Khi cộng với 821 triệu người hiện đang đói dài hạn, viễn cảnh này có thể sẽ đẩy hơn 1 tỉ người vào các tình huống vô cùng thảm khốc.

{keywords}
 Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Cơ quan lương thực của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra 55 quốc gia có rủi ro rơi vào nạn đói cao nhất trong báo cáo khủng hoảng lương thực hàng năm vừa được công bố trong tuần này, cảnh báo rằng các hệ thống y tế yếu ớt của họ sẽ không thể đương đầu với tác động của virus.

10 quốc gia được cho là có rủi ro cao sau khi đã trải qua những cuộc khủng hoảng lương thực vào năm ngoái là Yemen, Cộng hòa Congo, Afghanistan, Venezuela, Ethiopia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Nigeria và Haiti.

Hầu hết các nước này đều đang tránh được những tác động tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, song tình trạng yếu kém của hệ thống y tế ở các nước này đồng nghĩa với việc ngay cả một đợt bùng phát quy mô nhỏ cũng có thể có sức tàn phá cực lớn.

Đến nay, đã có hơn 2,5 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới được ghi nhận trên toàn cầu.

Anh Thư