Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là lực lượng quân sự tinh nhuệ của Iran chịu trách nhiệm bảo vệ chế độ Hồi giáo khỏi các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài.

{keywords}
Các Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran trong lễ cầu nguyện Thứ Sáu tại Tehran. Ảnh: Imago Press

IRGC sở hữu lực lượng gồm 125.000 quân nhân, nắm quyền kiểm soát lực lượng dân quân Basij bán quân sự với khoảng 90.000 thành viên thường trực và điều hành cả lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ hoạt động ở nước ngoài Quds.

Theo tờ DW (Deutsche Welle - Đức), IRGC được thành lập vào cuối cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran với tư cách là một lực lượng dân quân vũ trang tinh nhuệ có vai trò bảo vệ chế độ giáo sĩ theo dòng Shi'ite còn non trẻ lúc bấy giờ. Lực lượng này ra đời cũng nhằm trở thành một đối trọng quan trọng với quân đội truyền thống của Iran, vốn được cho là còn trung thành với các Shah (vua Ba Tư) đang chịu lưu đày sau khi bị Cách mạng lật đổ.

{keywords}
Lãnh tụ tối cao Khomeini là người ký sắc lệnh thành lập Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và cũng là Tư lệnh tối cao của lực lượng này. Ảnh: CBAP

IRGC ban đầu hoạt động như một lực lượng ở trong nước, nhưng đã mở rộng nhanh chóng sau khi lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đưa quân xâm chiếm Iran vào năm 1980. Thời điểm đó, Lãnh tụ tối cao Iran Ruhollah Khomeini đã trao cho Vệ binh Cách mạng các lực lượng lục quân, hải quân và không quân, hoạt động độc lập với quân đội chính quy.

Quyền lực mạnh mẽ

Một số nhà phân tích cho rằng IRGC đã trở thành một lực lượng giống như “nhà nước trong nhà nước”. Vai trò của IRGC được ghi nhận trong Hiến pháp Iran và lực lượng này chỉ tuân theo lệnh của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, do đó cũng mang đến cho họ một loạt quyền lực lớn về pháp lý, chính trị và cả tôn giáo.

Về cấu trúc, IRGC bao gồm các lực lượng lục quân, hải quân và không quân, song song với cấu trúc của quân đội chính quy. Không phải quân đội chính quy, mà IRGC mới là lực lượng duy nhất có quyền giám sát chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và đã tiến hành một số thử nghiệm kể từ sau Thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tên lửa của IRGC có thể bắn đến Israel. Hồi tháng 3/2016, lực lượng này đã phóng thử một quả tên lửa đạn đạo với dòng chữ "Israel phải bị xóa sổ" bằng tiếng Do Thái.

Người ta cho rằng sức mạnh của IRGC còn lớn hơn cả quân đội quốc gia chính quy. Hải quân của Vệ binh Cách mạng hiện là lực lượng chính được giao nhiệm vụ kiểm soát hoạt động trên Vịnh Ba Tư (Vịnh Péc-xích). 

Vai trò xã hội, chính trị, quân sự và kinh tế của IRGC đã được mở rộng dưới thời chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2009. Hiện nay vai trò chính của IRGC là bảo vệ an ninh quốc gia. Lực lượng này chịu trách nhiệm về an ninh nội bộ và biên giới, thực thi pháp luật và điều hành lực lượng tên lửa của Iran. Các hoạt động của IRGC hướng đến chiến tranh bất đối xứng và các nhiệm vụ ít truyền thống hơn, bao gồm kiểm soát buôn lậu, kiểm soát Eo biển chiến lược Hormuz và các hoạt động kháng chiến.

{keywords}
IRGC đứng sau chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Ảnh: AP
{keywords}
Quả tên lửa in dòng chữ chống Israel bằng chữ Do thái được IRGC phóng thử hồi năm 2016. Ảnh: FARS

Theo DW, cơ sở quyền lực của IRGC vươn tới các góc xa nhất của Nhà nước Iran, với một mạng lưới điều hành hiệu quả các tổ hợp quân sự và tình báo. Mạng lưới tình báo của IRGC được cho là đứng đằng sau các vụ bắt giữ và kết án những người có quan hệ với phương Tây về tội gián điệp.

Tổng thống Iran, nhà cải cách Hassan Rouhani có mối quan hệ khá thăng trầm với IRGC khi trong chương trình cải cách kinh tế của mình, ông đã tìm cách giảm ảnh hưởng của IRGC đối với nền kinh tế.

Đặc nhiệm Quds

Giáo chủ Iran Khamenei, người kế vị Lãnh tụ Khomeini năm 1989, đã thành lập lực lượng Quds, một đơn vị của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo phụ trách các hoạt động ở nước ngoài.

{keywords}
Tư lệnh đặc nhiệm Quds, Thiếu tướng Qassem Soleimani là người cố vấn cho các lực lượng chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq. Ảnh: AP

Quds được ước tính có số lượng binh sĩ khoảng 2.000-5.000 người, đứng đầu là Thiếu tướng Qassem Soleimani, người đã cố vấn cho các lực lượng chiến đấu với khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Quds cũng được cho là hợp tác với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine.

Mỹ coi IRGC là "khủng bố"?

Từ lâu Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Iran là nhà nước tài trợ cho khủng bố, nhưng kiềm chế không liệt kê IRGC là một tổ chức khủng bố vì lo ngại động thái này có thể dẫn đến các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ trong khu vực. 

Mỹ chỉ duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Iran và IRGC về việc hỗ trợ khủng bố, chủ yếu là do sự hỗ trợ quân sự của họ cho lực lượng vũ trang người Shiite Hezbollah và phong trào Hamas của Palestine.

Video Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phóng thử tên lửa.Nguồn: RT

Tuy nhiên, ngày 5/4, ba quan chức Mỹ giấu tên đã tiết lộ với hãng tin Reuters và tờ Wall Street Journal rằng Chính quyền Tổng thống Trump sẽ tuyên bố Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là một tổ chức khủng bố nước ngoài vào thứ hai tuần tới. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố lực lượng quân đội của một quốc gia trên thế giới là "khủng bố".

Một động thái như vậy chắc chắn sẽ là một cuộc leo thang mạnh mẽ chính sách gây áp lực lên chính quyền Iran của Tổng thống Trump. Trước đó, vào tháng 5 năm ngoái, ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân lịch sử với Iran và tiếp tục tái áp đặt các lệnh trừng phạt đã bị tạm đình lại sau thoả thuận ký năm 2015 dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Theo Báo Tin tức