Đó là khẳng định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  trong thông điệp "Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững" phát đi tối 7/6, ngay sau khi nhận thông tin Việt Nam đã trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) với số phiếu ủng hộ kỷ lục trong 75 năm phát triển của LHQ, 192/193 phiếu.

Theo ông Nguyễn Phú Trọng, đây là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

{keywords}
 

Là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, HĐBA được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 39 của Hiến chương LHQ, Hội đồng là cơ quan duy nhất của tổ chức lớn nhất hành tinh có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe doạ đối với hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.

Điều 25 Hiến Chương LHQ nêu rõ, các quyết định của HĐBA có tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng cũng như thi hành. Do đó, HĐBA là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ.

Về cơ cấu hoạt động, HĐBA hiện bao gồm 15 thành viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Mỗi thành viên thường trực đều có quyền phủ quyết mọi nghị quyết của hội đồng. Thực tế, một phiếu chống của ủy viên thường trực có thể phủ quyết ý kiến của đa số, đồng nghĩa với việc một nghị quyết nào đó của HĐBA không thể được thông qua.

Ngoài các ủy viên thường trực, 10 ủy viên không thường trực còn lại của cơ quan được chia thành hai nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới.

Các ghế ủy viên không thường trực HĐBA được phân bổ trên cơ sở khu vực, bao gồm 5 ghế cho các nước châu Phi và châu Á, 2 ghế cho Mỹ Latinh và Caribe, 1 ghế cho Đông Âu và 2 ghế cho Tây Âu và các nước khác.

Để trúng cử ủy viên không thường trực HĐBA, một quốc gia cần giành được phiếu ủng hộ của tối thiểu 2/3 số nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu tại phiên họp Đại hội đồng. Nước vừa mãn nhiệm sẽ không được bầu lại tại nhiệm kỳ kế tiếp.

Khác với các thành viên thường trực, các ủy viên không thường trực HĐBA không có quyền phủ quyết, nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết, góp phần xây dựng chương trình nghị sự và tham gia định hình chính sách của LHQ. 

{keywords}
Các quân nhân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh: United Nations Peacekeeping

Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA từ ngày 1/1/2020. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò này sau khi trúng cử nhiệm kỳ đầu tiên 2008 - 2009.

Theo giới quan sát, Việt Nam sẽ đón nhận nhiệm vụ mới tại HĐBA trong bối cảnh châu Á vừa là tâm điểm phát triển kinh tế, vừa là điểm nóng cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. Trọng trách sẽ càng nặng nề khi Việt Nam sắp đồng thời tiếp quản vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào đúng năm 2020.

Song, việc đảm đương hai trọng trách nói trên cùng lúc được tin là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế và đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới.

PV