Là ngày nghỉ nên phần lớn binh sĩ Mỹ đóng tại căn cứ hải quân Trân Châu Cảng trên đảo Oahu (Hawaii) đều lên bờ. Các con tàu đều mở hết các nắp lên boong, các cửa đều thông khoang và kín nước. Chỉ có 2/8 ra-đa thuộc hệ thống cảnh giới hoạt động, nhưng không thường xuyên.

Kế hoạch tập kích của Nhật vào Trân Châu Cảng được chuẩn bị rất kĩ, kéo dài trong 6 tháng với số người tham gia rất hạn chế, do Đô đốc Yamamoto trực tiếp chỉ đạo. Trước chiến dịch, phía Nhật tổ chức trinh sát điện tử, thu tin về các lực lượng Mỹ đóng quân ở căn cứ, nhất là lực lượng tàu, máy bay và việc tổ chức bố trí hệ thống phòng thủ Trân Châu Cảng.

{keywords}
Căn cứ Trân Châu Cảng trước khi bị tấn công. Ảnh: Wikipedia

Tiếp đó, quân Nhật tổ chức huấn luyện trên thao trường và diễn tập ở khu vực có điều kiện địa hình giống hệt Trân Châu Cảng. Quân Nhật cũng khẩn trương cải tiến vũ khí cho phù hợp với thủ đoạn tác chiến, phương thức tấn công, điều kiện địa lí của bãi chiến trường.

Ngày 18/11/1941, 27 tàu ngầm của Nhật (trong đó có 5 tàu ngầm mi-ni) rời căn cứ hành trình về phía đông. Ngày 6/12, các tàu ngầm trên chiếm lĩnh các vị trí quy định xung quanh quần đảo Hawaii. Máy bay trinh sát hải quân Mỹ phát hiện tàu ngầm Nhật và dự đoán phía Nhật sắp tấn công, tuy nhiên lại không đề ra các biện pháp đề phòng.

Ngày 26/11, binh đoàn tàu sân bay Nhật do Phó đô đốc Nagumo Chiuchi chỉ huy, gồm 33 tàu các loại, trong đó có 6 tàu sân bay chở 353 máy bay chiến đấu, 2 tàu thiết giáp, 3 tàu tuần dương, 11 tàu khu trục, 3 tàu ngầm, 8 tàu phục vụ xuất phát đi Hawaii.

Quân Nhật giữ bí mật tuyệt đối về thông tin liên lạc, trao đổi bằng vô tuyến giả để nghi binh, làm phía Mỹ lầm tưởng rằng binh đoàn tàu sân bay Nhật vẫn ở căn cứ Iturup (quần đảo Kuril), chứ không di chuyển. Do vậy, một khối lực lượng, phương tiện khổng lồ hành quân trên một quãng đường dài đến gần 6.300 hải lí, đêm 6/12 đến tập kết ở vị trí cách bắc Hawii 230 hải lí mà không hề bị phát hiện.

Để đánh lạc hướng, đêm 6 rạng ngày 7/12, phía Nhật cho 2 tàu khu trục bắn vào đảo Midway. Mờ sáng 7/12, lợi dụng việc phía quân Mỹ mở hệ thống chướng ngại bảo vệ Trân Châu Cảng để đón các con tàu trở về, 5 tàu ngầm mi-ni của Nhật bí mật đột nhập căn cứ.

{keywords}
Tàu USS West Virginia bị tấn công. Ảnh: AP

Bốn chiếc trong số đó bị tàu khu trục Mỹ phát hiện và tiêu diệt; chiếc còn lại đột nhập được vào bên trong căn cứ nhưng chưa kịp hành động cũng bị tiêu diệt nốt. Tuy đã phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm đối phương, nhưng chỉ huy căn cứ vẫn chủ quan, lơ là nên không áp dụng các biện pháp đề phòng.

Đợt 1 của trận đánh bắt đầu lúc 7h55 sáng 7/12. Từ 6 tàu sân bay neo ở phía bắc Hawii 230 hải lí, quân Nhật sử dụng 183 máy bay mang theo bom, tên lửa đồng loạt và bất ngờ bắn phá các hạm tàu lớn và máy bay Mỹ đậu trên sân bay của căn cứ. Ra-đa trên đảo phát hiện, nhưng cho rằng đó là máy bay quân nhà nên không báo động.

Sau 1 giờ bắn phá, quân Nhật bắn chìm 3 tàu thiết giáp; tiêu diệt gần một nửa số máy bay Mỹ, số còn lại bị chế áp, và do đường băng bị hỏng nên không cất cánh được, đành nằm phơi lưng chịu trận.

Đợt 2 diễn ra từ 8h40 đến 9h15, quân Nhật sử dụng 167 chiếc máy bay từ nhiều hướng với nhiều nhóm chiến thuật, tiếp cận ở độ cao thấp ném bom, phóng ngư lôi vào các con tàu Mỹ trú đậu tại cảng. Đa số tàu bị cháy và chìm ngay tại cảng, một số kịp rời cảng cơ động chống trả nhưng đã quá muộn, nên cùng chịu chung số phận. Hệ thống phòng không căn cứ và phòng không trên tàu bị bất ngờ nên hầu như tê liệt, hiệu quả chống trả thấp.

Sau 3 giờ tập kích, phần lớn lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng về cơ bản bị tiêu diệt. Phía Mỹ bị chết và bị thương gần 4.500 quân; bị tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 6 tàu tuần dương và tàu khu trục, 8 tàu thiết giáp, 19 tàu chiến đấu khác và 270 máy bay. Hạm đội Thái Bình Dương bị tê liệt cả năm sau. Phía Nhật tổn thất 20 máy bay, 6 tàu ngầm, trong đó có 5 tàu mi-ni.

Phía Nhật đã giành thắng lợi trong trận Trân Châu Cảng là do họ đã làm tốt công tác nắm tình hình và lập kế hoạch tỉ mỉ, chính xác; phát huy tối đa thủ đoạn nghi binh đánh lừa và bảo mật; sử dụng đúng lực lượng, phương tiện, vũ khí để tiến công; phát huy tối đa yếu tố bí mật, bất ngờ, giành thế chủ động, giành quyền khống chế trên không; tập trung tối đa lực lượng, phương tiện để tiến công chớp nhoáng, mật tập, cường độ cao.

Phía Mỹ thất bại do chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, khả năng sẵn sàng chiến đấu không cao, không áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay khi phát hiện thấy dấu hiệu rõ ràng bị tiến công.

Thắng lợi tại Trân Châu Cảng đã tạo điều kiện cho Nhật Bản giành quyền khống chế trên biển, mở rộng bành trướng tới Philippines, Malaysia và Indonesia, buộc Mỹ tham gia chiến tranh chống trục phát xít.

Nguyên Phong