Quyết định chấn động

Năm 2015, Dan Price, người sáng lập công ty xử lý thanh toán thẻ Gravity Payment ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ vào năm 2004 khi mới 19 tuổi, gây chấn động khi công bố quyết định tự cắt giảm tới hơn 90% lương của bản thân để nâng mức lương tối thiểu tại doanh nghiệp này lên 70.000 USD/người/năm (hơn 1,6 tỷ đồng/người/năm).

Doanh nhân trẻ tiết lộ, anh nảy sinh ý tưởng này khi đọc một báo cáo nghiên cứu về hạnh phúc, trong đó các tác giả nêu rõ, đối với những người kiếm được ít hơn 70.000USD mỗi năm, việc tăng thêm thu nhập có thể tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của họ.

{keywords}
Dan Price, người sáng lập và cũng là tổng giám đốc điều hành của công ty Mỹ Gravity Payment. Ảnh: inc.com

Tên của Price xuất hiện nổi bật trên nhiều tờ báo với vô số lời ca ngợi vì hành động "xưa nay hiếm", nhưng cũng vấp phải không ít sự hoài nghi. Nhà bình luận chính trị Mỹ Rush Limbaugh thậm chí dự đoán vào thời điểm đó rằng, công ty của Price sẽ trở thành một ví dụ điển hình về thất bại trong các nghiên cứu thạc sỹ chính sách kinh tế sau này.

Thực tế đã chứng minh quyết định "không giống ai" của doanh nhân Price đã phát huy hiệu quả.

Theo BBC, 5 năm kể từ thời điểm đó, doanh thu của Gravity Payment đã tăng gấp ba trong khi số nhân viên và khách hàng cũng tăng gấp đôi. Đời sống của các nhân viên công ty cũng được cải thiện đáng kể, với 70% trả hết nợ nần, số người mua được nhà tăng gấp 10 lần, hơn 76% đính hôn và ngày càng có nhiều người lập gia đình, sinh con và có khoản tiết kiệm dưỡng già.

Gravity Payment cũng trở thành một điển hình thành công, được đưa ra mổ xẻ nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Harvard danh tiếng.

Đối mặt khủng hoảng

Tuy nhiên, đà phát triển của Gravity Payment bị chặn đứng hồi tháng 3/2020, ngay sau khi các quan chức Mỹ thông báo trường hợp tử vong đầu tiên vì Covid-19 tại bang Washington. Do là công ty cỡ trung, có quan hệ làm ăn chủ yếu với các doanh nghiệp nhỏ, nên Gravity Payment bắt đầu cảm thấy gánh nặng áp lực từ việc nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa và khách hàng cắt giảm mạnh chi tiêu trong lĩnh vực xử lý thanh toán thẻ.

Chỉ tính riêng ở Seattle, tổng doanh số bán hàng của Gravity Payment đã giảm 57% so với một tháng trước đó. Tính trên toàn bang Washington, doanh số giảm 44% trong khi doanh số ở Hawaii và California (2 trong số các thị trường lớn nhất của công ty) lần lượt giảm 63% và 44%.

Chia sẻ trên trang MarketWatch, Tổng giám đốc điều hành (CEO) Price tiết lộ, trung bình công ty mất khoảng 30.000 USD/ngày và tổng doanh thu đã giảm 50% so với thời kỳ trước đại dịch. Nếu cứ tiếp tục chiều hướng này, công ty sẽ cạn kiệt tiền trong vòng 5 tháng tới.

Price lưu ý, công ty của anh không phải là doanh nghiệp duy nhất phải vật lộn với cơn khủng hoảng vì Covid-19. Để ứng phó và tiếp tục tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách đóng cửa các chi nhánh và sa thải bớt nhân viên để tiết kiệm chi phí. Đối mặt với lựa chọn khó khăn, doanh nhân 35 tuổi tỏ ra thận trọng và quyết định nói chuyện với đội ngũ nhân viên trước tiên.

Giải pháp

Một ngày đầu tháng 4, CEO Price và giám đốc vận hành công ty (COO) Tammi Kroll đã tổ chức một loạt cuộc họp video với nhân viên của Gravity Payment. Hai vị lãnh đạo thông báo với các nhân sự dưới quyền rằng, họ sẽ mất khoảng 1 triệu USD/tháng và cần phải cắt giảm chi phí hoặc tăng doanh thu để bù đắp thiệt hại.

Tất cả nhanh chóng nhận diện khoảng 200.000USD chi phí, chẳng hạn như chi phí dành cho việc đi lại và một số khoản chi cho văn phòng, có thể bị loại bỏ lập tức. Song, công ty vẫn cần hướng xử lý với 800.000USD thiếu hụt còn lại. Price và Kroll nói với các nhân viên rằng, cách nhanh nhất để bù đắp lỗ hổng là sa thải 40 người và tăng giá dịch vụ đối với các khách hàng. Song, họ nhấn mạnh mong muốn tránh điều này nếu có thể.

Gravity Payment tạo lập được chỗ đứng trên thị trường nhờ mục tiêu hỗ trợ các chủ doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh và tiết kiệm tiền trong các giao dịch với thẻ. Cắt giảm nhân sự hoặc tăng phí dịch vụ vào thời điểm này đều phá hỏng mục tiêu đó, tiềm ẩn nguy cơ làm mất hình ảnh và gây tổn hại tiêu cực đến doanh số của công ty. Điều này buộc ban lãnh đạo doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp phù hợp.

Theo chia sẻ của Price, hàng chục ý tưởng đã được nêu ra trong các cuộc họp giữa anh với đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, điều khiến doanh nhân này kinh ngạc là nhiều nhân viên tình nguyện giảm lương tạm thời. Họ nói bản thân tin vào sứ mệnh của công ty nên sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mục tiêu đó.

Cuối cùng, khi Price hỏi mỗi nhân viên về việc họ sẵn sàng hy sinh bao nhiêu, chỉ trong vòng 24 giờ, đa số các nhân sự trong công ty cho biết tình nguyện giảm từ 10 - 100% lương. Họ cũng cam kết dành 400.000USD, khoảng 20% tổng số tiền công ty chi dùng trả lương, cho tháng tới để giúp cứu công ty. Quá xúc động, CEO Price và COO Kroll cũng tuyên bố tạm thời giảm lương của họ về 0 đồng. Các nỗ lực đã giúp công ty tăng gấp đôi khoản dự phòng trước khi quỹ cạn kiệt.

{keywords}
Ảnh minh họa: MarketWatch

Bí quyết vượt khó

Price nhấn mạnh, mỗi hoàn cảnh tạo ra thách thức riêng, nhưng bằng cách minh bạch tình hình tài chính và đối thoại thẳng thắn với đội ngũ nhân viên, công ty của anh đã tìm ra giải pháp đương đầu với cơn khủng hoảng vì Covid-19. Theo anh, cách làm này có 3 cái lợi chính.

Thứ nhất, những người lãnh đạo sẽ có cơ hội tiếp cận thêm các ý tưởng sáng tạo, tuyệt vời hơn. Ngoài việc cắt giảm lương, chính các nhân viên cũng hiến kế cho Gravity Payment nhằm tiết kiệm tiền và tăng doanh thu, tình nguyện nhận thêm trách nhiệm giúp công ty đương đầu với giai đoạn khó khăn.

Ví dụ, một số người đề nghị tạm nghỉ việc không hưởng lương hoặc giảm giờ làm, trong khi số khác đề xuất làm thêm giờ. Price tin, khi "sếp" trực tiếp đối thoại và tạo cho các nhân viên diễn đàn để thảo luận về tình hình, mang đến cho họ cơ hội chia sẻ và trình bày ý tưởng, việc đó cũng khiến công ty trong tư thế sẵn sàng ứng phó hơn.

Thứ hai, chính các nhân viên sẽ bảo vệ và củng cố sứ mệnh của công ty. Trong trường hợp của Gravity Payment, do các nhân viên hàng ngày vẫn làm việc với các doanh nghiệp nhỏ để giúp họ tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức khi chấp nhận các thanh toán, nên họ hiểu ngay cả 10 USD/tháng cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn với khách hàng cũng như sự suy giảm cạnh tranh, thậm chí khả năng tồn tại của những công ty này trước các đối thủ lớn hơn trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.

Vì vậy, họ chọn một giải pháp bền vững, ngay cả khi chấp nhận thiệt hại về cá nhân là tình nguyện giảm thu nhập trung bình khoảng 2.000 USD/tháng để tránh phải tăng 40USD phí dịch vụ, giúp giữ chân khách hàng vào thời điểm khó khăn.

Thứ ba, cách làm đang tiếp thêm sinh lực cho toàn bộ công ty chống chịu khủng hoảng. Ông chủ Gravity Payment lý giải, thay vì ra lệnh cắt giảm lương từ trên xuống dưới, bắt mọi người phải phục tùng, Gravity Payment đã tạo cơ hội để các nhân viên chứng tỏ vai trò và sự đóng góp của họ cho công ty.

Việc được lãnh đạo trao gửi niềm tin giúp ra quyết định khiến họ cảm thấy gắn kết và có thêm động lực cống hiến hơn nữa cho doanh nghiệp. Người lao động sẽ sáng tạo và năng suất hơn khi cảm thấy được trao quyền và đánh giá cao công sức đóng góp của họ.

Tuấn Anh

Châu Âu học cách chung sống với dịch Covid-19 như thế nào?

Châu Âu học cách chung sống với dịch Covid-19 như thế nào?

Sau khi dần từ bỏ hy vọng sẽ có thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19, phần lớn người dân tại châu Âu đã chấp nhận sống chung với dịch bệnh.

Những ý tưởng làm giàu từ Covid-19 của doanh nhân trẻ 8x

Những ý tưởng làm giàu từ Covid-19 của doanh nhân trẻ 8x

Đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn hầu hết những khía cạnh của cuộc sống hàng ngày và phần lớn nền kinh tế được xây dựng xung quanh nó.