Thành công cuối cùng

Cuối những năm 1970 là giai đoạn đỉnh điểm của sự đối đầu căng thẳng Đông – Tây với việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan (cuối tháng 12/1979). Tình hình trở nên trầm trọng hơn nữa bởi các sự kiện diễn ra ở Ba Lan giai đoạn 1980-1981. Thời điểm đó, kinh tế ở Ba Lan gặp nhiều khó khăn, phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Tình hình này được các lực lượng đối lập lợi dụng để kích động tâm lí bất mãn và chống đối trong công chúng.

Sự kiện làm tràn ly là việc chính quyền tăng giá thịt vào mùa hè năm 1980, tổ chức công đoàn Đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Lech Walesa đã ra đời. Ảnh hưởng của công đoàn Đoàn kết nhanh chóng lan rộng với việc họ tổ chức hàng loạt các cuộc bãi công quy mô lớn làm tê liệt nền kinh tế. Tình hình nghiêm trọng đến mức cuối tháng 8/1980, Phó Thủ tướng Metrislaw Yaghelski phải đích thân đến thành phố cảng Gdansk - đại bản doanh của công đoàn Đoàn kết để gặp gỡ, đàm phán với Lech Walesa và các thủ lĩnh khác của phong trào bãi công.

Kết quả, Hiệp định Gdansk được kí kết. Theo đó, công đoàn Đoàn kết chấm dứt các cuộc bãi công. Về phần mình, Warszawa cam kết một loạt nhân nhượng chính trị, bao gồm cả việc công nhận quyền bãi công và việc truyền phát các công việc nhà thờ trên làn sóng đài phát thanh quốc gia vào các ngày chủ nhật. Tuy nhiên, không vì thế mà vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan (PUWP) tránh khỏi bị đe doạ.

{keywords}
Ba Lan tháng 12/1981

Giống như thời kì cuộc khủng hoảng ở Hungary năm 1956 và khủng hoảng “Mùa xuân Praha” ở Tiệp Khắc năm 1968, vào những ngày này hoạt động của cơ quan tình báo Liên Xô tại Ba Lan tăng đột biến. Các báo cáo tình báo gửi về Moscow đều cho thấy những tổn thất gây mất uy tín cho Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan. Đánh giá tình hình, Trưởng phòng Ba Lan thuộc Tổng cục I KGB (Tổng cục Tình báo đối ngoại - PGU) N. Tarnavski đưa ra nhận định sẽ khó tránh khỏi một cuộc thảm sát đẫm máu ở đất nước này.

Trong khi đó, ảnh hưởng của công đoàn Đoàn kết tiếp tục lớn mạnh. Chỉ sau 1 năm, số người ủng hộ nó đã đạt tới con số khoảng 10 triệu người. KGB khẳng định, các điệp viên của công đoàn Đoàn kết đã thâm nhập vào cả cơ quan an ninh lẫn cảnh sát Ba Lan. Các phần tử tích cực của công đoàn mà nòng cốt là những người theo chủ nghĩa quốc tế Do thái và các cựu thành viên của Uỷ ban Bảo vệ công nhân đe doạ các cán bộ nhiệt thành của Đảng. KGB cho rằng Đại hội IX mà PUWP vào tháng 7/1981 sẽ làm tăng thêm ảnh hưởng của công đoàn Đoàn kết.

Xuất phát từ nhận định này, KGB yêu cầu Ban lãnh đạo Liên Xô gây áp lực tối đa lên Stanislaw Kania (người sau Hiệp định Gdansk đã lên thay Edward Gierek làm Bí thư Thứ nhất) để ông ta trì hoãn đại hội. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô với L. Brezhnev lúc này đã ốm yếu không còn giữ được tính quyết đoán như thời kì khủng hoảng Tiệp Khắc. Họ cũng không muốn liên tục phải nghe những tin tức xấu nữa.

Đại hội IX Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan diễn ra vào tháng 7/1981 như kế hoạch. Và đúng như dự cảm của KGB, 7 trong số 8 thành viên cũ của Bộ Chính trị phải từ bỏ chức vụ; 20% số uỷ viên mới của Ban Chấp hành Trung ương công khai ủng hộ công đoàn Đoàn kết, 50% có cảm tình với nó... Đến lúc này, Kremlin mới vội triệu tập lãnh đạo KGB. Các tướng Vladimir Kriuchkov (Tổng cục trưởng PGU) và Vadim Pavlov (Chỉ huy trưởng KGB tại Ba Lan) tuyên bố Kania đã đánh mất kiểm soát Đảng và tình hình trong nước, và nếu không thay Ban Chấp hành Trung ương bằng những người tin cậy hơn thì chế độ XHCN ở Ba Lan nhất định sẽ sụp đổ. 

Xuất phát từ bối cảnh đó, cả KGB và Ban lãnh đạo Liên Xô đều cho rằng trong trường hợp xấu nhất, Quân đội Liên Xô phải can thiệp. Nhưng tình hình lúc này đã khác nhiều. Do vậy, trung tâm kết luận, biện pháp tối ưu là tiến hành một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm với sự tham gia của giới quân sự Ba Lan. KGB tin tưởng giới lãnh đạo quân đội Ba Lan hơn là lãnh đạo Đảng. Đa số các sĩ quan Ba Lan được đào tạo tại các học viện, nhà trường quân sự Liên Xô. Nhiều sĩ quan cao cấp là cựu chiến binh của Quân đoàn Ba Lan đóng quân trên lãnh thổ Liên Xô trong những năm chiến tranh.

Ứng cử viên đứng đầu cuộc chính biến được KGB lựa chọn là Wojciech Jaruzelski. Ông Jaruzelski được người dân Ba Lan coi là nhân vật bí ẩn nhưng có thiện cảm, nhất là sau khi ông chỉ định Metrislaw Rakovski giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề công đoàn. Jaruzelski cũng là người kêu gọi hoà hợp dân tộc, thành lập Mặt trận thống nhất. Chính ông đã tổ chức cuộc gặp với thủ lĩnh công đoàn Đoàn kết Lech Walesa và Đại Giáo chủ Glemp.

Những chi tiết cuối cùng của cuộc chính biến được thông qua trong hai cuộc họp bí mật diễn ra tại Warswawa giữa Jaruzelski với Kriuchkov và Nguyên soái Victor Kulikov, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang khối Warswawa. Đêm 12 sang ngày 13/12, tình trạng thiết quân luật được ban bố và thực hiện một cách hoàn hảo. Sáng sớm, người dân Ba Lan thức dậy đã thấy ở mỗi góc phố chòi canh của quân đội. Các phân đội cảnh sát vũ trang cơ động nhanh chóng giải tán các cuộc bãi công và các hành động chống đối. Phần lớn những người lãnh đạo của công đoàn Đoàn kết bị bắt ngay tại nhà riêng. Chưa đầy một tuần sau, quân đội đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Đây được xem là một trong những chiến dịch thành công to lớn cuối cùng của KGB.

Sự sụp đổ của một nhà nước vĩ đại

Từ cuối những năm 1970, bắt đầu xuất hiện những xu hướng bất lợi trong đời sống kinh tế, xã hội Liên Xô, dần dần âm ỷ một cuộc khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực. Nhà nước liên bang ngày càng bộc lộ những sai lầm, khuyết tật, yếu kém của cơ chế quản lí, điều hành các mặt đời sống đất nước. Điều nguy hiểm nghiêm trọng là những sai lầm, khuyết điểm đó chậm được phát hiện, khắc phục.

Tình hình này đã tạo cơ hội cho M. Gorbachov (được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng tháng 3/1985) phát động một chương trình cải tổ toàn diện để lồng ghép kế hoạch loại bỏ vai trò chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô và lái đất nước đi theo con đường tư bản với sự ra đời của cơ chế tổng thống.

Tháng 1/1987, Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô được tiến hành mà như A.Yakovlev tự nhận định là “đã có ý nghĩa quyết định nếu xét từ góc độ của sự chia rẽ đang hình thành”. Nếu như trước hội nghị này mọi cải cách có vẻ diễn ra với điểm tựa là Đảng, thì từ sau hội nghị bản thân Đảng đã bị “sờ gáy”. Đây cũng là lúc Yakovlev bắt đầu cho “xuất xưởng” các phong trào “không chính thức” mang nặng định hướng chống cộng.

{keywords}
Cựu lãnh đạo Gorbachov. Ảnh: BBC

Gorbachov và Yakovlev tiến hành chiến dịch tảo thanh, loại trừ những cán bộ, đảng viên không ăn ý. Trong 3 năm, họ đã thay thế toàn bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí xuất bản trung ương; 90,8% bí thư các tỉnh, khu và các nước cộng hoà; 82,2% bí thư và 123,1% các huyện uỷ viên, quận uỷ viên và thành uỷ viên (sở dĩ có con số 123,1% là vì vòng hai chiến dịch đã bắt đầu). Chủ nghĩa tư bản bắt đầu lấn át chủ nghĩa xã hội.

Năm 1989 xuất hiện cơ cấu chính quyền “hai tầng”: Đại hội Đại biểu nhân dân (SND), về danh nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng thực tế chỉ có chức năng đại diện; và Xô-viết Tối cao, hoạt động theo mô hình nghị viện. SND không thực hiện được chức năng lập pháp, và do cồng kềnh quá cũng không thực hiện được chức năng kiểm tra giám sát. SND dần dần biến thành diễn đàn cho những kẻ đầu cơ chính trị khua môi múa mép. Các thế lực phản động bắt đầu cổ súy, tán thưởng việc thiết lập cơ chế tổng thống.

Bước sang năm 1990, Gorbachov vẫn hăm hở đẩy nhanh cải tổ chính trị. Đầu tháng 2, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương thông qua “Cương lĩnh hành động đi theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhân đạo” sẽ trình Đại hội lần thứ XXVIII của Đảng; kiến nghị sửa đổi Điều 6 trong Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo xã hội Xô-viết, thực hiện chế độ đa đảng ở Liên Xô, lấy “chủ nghĩa xã hội dân chủ” làm mục tiêu phấn đấu của Đảng, đồng thời đề nghị thực hiện chế độ tổng thống. Thực chất, đây là những quyết định khai tử Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ngày 12/2/1990, Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô thông qua Quyết định “Về thành phần Uỷ ban soạn thảo các kiến nghị liên quan đến việc thiết lập chức vụ tổng thống ở Liên Xô”. Người đứng đầu Uỷ ban này mặc nhiên là Chủ tịch Xô-viết Tối cao M. Gorbachov, các phó chủ tịch là A. Lukyanov (Phó Chủ tịch Thứ nhất Xô-viết Tối cao), E. Primakov (Chủ tịch Viện Liên bang) và R. Nishannov (Chủ tịch Viện Dân tộc).

Ngày 12/3, Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô thông qua quyết định chính thức sửa đổi Điều 6 trong Hiến pháp, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, cho phép thành lập các chính đảng khác ngang hàng. Ngày 14/3, Xô-viết Tối cao bầu Gorbachov làm Tổng thống đầu tiên của Liên Xô, với quyền hành rộng rãi hơn nhiều so với chức Chủ tịch Xô-viết Tối cao trước đây. Tiếp đó, Hội đồng Tổng thống được thành lập cũng do Gorbachov đứng đầu.

Với thiết chế này, quyền đưa ra quyết sách chiến lược, quyền điều hành đất nước và bố trí nhân sự đã chuyển từ Bộ Chính trị như trước đây sang Gorbachov và một nhóm người dưới quyền ông ta. Tuy rằng lúc đó – và kể cả sau Đại hội XXVIII – Gorbachov vẫn là Tổng Bí thư, song ông ta không còn chịu bất cứ sự ràng buộc nào của Trung ương Đảng.

Việc xuất hiện thiết chế tổng thống gây sự phấn khích cao độ cho các thế lực chống cộng. Một ngày trước khi Xô-viết Tối cao bầu tổng thống, khoảng 100 nghìn người đã biểu tình ăn mừng ở Moscow. Các buổi tụ họp tương tự cũng diễn ra ở Leningrad, Kharkov, Tbilisi, Tomsk… Ngày 24/8/1991, 5 ngày sau cuộc chính biến bất thành do Uỷ ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKTrP) tiến hành, Gorbachov tuyên bố từ bỏ trách nhiệm Tổng bí thư, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương tự giải thể và giải tán KGB. 

Ngày 8/12, những người đứng đầu Nga, Belorussia và Ukraina kí Hiệp ước thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Ngày 21/12, Hội nghị cấp cao SNG tại Alma Ata tuyên bố Liên bang CHXHCN Xô-viết bị giải thể, cơ cấu tổng thống Liên Xô ngừng hoạt động và yêu cầu Gorbachov trao quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang và cặp điều khiển hạt nhân cho Tổng thống Nga B. Yelsin. Gorbachov trở thành ông vua không ngai.

Ngày 25/12/1991, vào lúc 19 giờ, Gorbachov tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô và trao quyền bấm nút hạt nhân cho Yelsin. Đến 19h38, quốc kì Liên Xô sau 69 năm tung bay từ từ bị hạ xuống. Lá cờ ba màu trắng, xanh lam, đỏ của Liên bang Nga được kéo lên. Liên bang CHXHCN Xô-viết do đích thân Lê-nin sáng lập đã trở thành lịch sử. Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới đã đi nốt ngày cuối cùng của nó.

Nguyên Phong