Khủng hoảng tên lửa Cuba

Đầu năm 1962, sau khi bố trí ở Anh và Thổ Nhĩ Kì các tên lửa xuyên lục địa tầm trung Minuteman, Mỹ đã đạt được ưu thế rõ ràng trong cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo Liên Xô đứng đầu là Nikita Khrusov cho rằng có thể loại bỏ ưu thế đó bằng cách triển khai các tên lửa của Liên Xô ở Cuba. Khrushov cho rằng bí mật triển khai tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ Cuba, Liên Xô có thể đặt Tổng thống John Kennedy trước sự đã rồi mà ông này phải chấp nhận...

{keywords}
Ảnh: Wikipedia

Mùa hè 1962, các kĩ sư Liên Xô bắt đầu xây dựng các bệ phóng cho loại tên lửa có tầm bắn trên 3.000km – tên lửa này có thể bay tới vùng duyên hải phía đông nước Mỹ chỉ trong vòng vài phút. Và đây chính là nguyên nhân và sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng 13 ngày (từ 16 đến 29/10/1962), trong đó những ngày căng thẳng nhất là:

Sáng sớm 16/10, CIA đệ trình Tổng thống Kennedy tài liệu chứng minh Liên Xô đang triển khai tên lửa tầm trung tại Cuba. Ngày 19/10, giới quân nhân đòi “nướng chín” Cuba. Ngày 22/10, Tổng thống Mỹ thông báo tình hình trên đài phát thanh và truyền hình, tuyên bố phong toả đường không, đường biển của Cuba và yêu cầu Liên Xô đưa tên lửa khỏi Cuba; 2.500 thân nhân binh sĩ Mỹ tại căn cứ Goantanamo được yêu cầu thu xếp hành lí trong 15 phút để di tản.

Ngày 24/10, các tàu hàng hải của Liên Xô trên đường đến Cuba bị tàu chiến Mỹ giữ và đe doạ nổ súng. Ngày 25/10, Khrushov đưa ra thông điệp hoà giải, đồng thời cảnh cáo những hành động quá khích của Mỹ. Cùng ngày, giới quân sự Mỹ phát lệnh báo động nguyên tử. Người dân Mỹ đổ xô mua sắm lương thực, thực phẩm để dự trữ.

Ngày 26/10, Lầu Năm góc thông qua kế hoạch của chiến dịch Mangusta huy động 200.000 lính lục quân, 70.000 lính hải quân đánh bộ, 2.000 lượt máy bay, 100 tàu... sẵn sàng cho chiến tranh. Lực lượng hạt nhân chiến lược được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Các máy bay B-52 di chuyển liên tục trên không phận đông – nam nước Mỹ. Rất đông người Mỹ chạy sang Mexico lánh nạn.

Ngày 27/10, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro nhận được tin tình báo rằng Mỹ có thể tiến công trong vài ngày tới. Còn ở Moscow, Khrushov phê chuẩn kế hoạch bảo vệ các cơ sở của Liên Xô tại Cuba trong trường hợp Mỹ tiến công. Ngày 28/10, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoli Dobrunin thông báo với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kennedy nội dung bức điện của Khrushov nêu rõ Liên Xô đồng ý tháo dỡ các quả tên lửa đã triển khai tại Cuba.

Ngày 29/10, Robert Kennedy thông báo với Đại sứ Dobrunin rằng Tổng thống Kennedy xác nhận, để đáp ứng thiện chí của phía Liên Xô, Mỹ đồng ý huỷ bỏ căn cứ tên lửa của họ tại Thổ Nhĩ Kì đang hướng về phía Liên Xô, song yêu cầu không công khai thoả thuận này. Cuộc khủng hoảng chấm dứt.

Bên cạnh kênh ngoại giao và các kênh chính thức khác, tình báo đối ngoại Liên Xô đã có sự đóng góp xuất sắc trong giải quyết sự kiện này.

Vào thời điểm ấy, Tổ trưởng điệp báo Liên Xô tại Washington là Alesander Feklisov hoạt động dưới bình phong Tham tán đại sứ quán với cái tên Fomin. Ông đã có cuộc trò chuyện với nhà bình luận quốc tế nổi tiếng của đài ABC John Skaly. Tại đây, Skaly đánh giá việc Khrushov coi thường Tổng thống Mỹ là sai lầm. Skaly cũng thông báo giới quân sự Mỹ đang đề nghị Kennedy cho phép họ đánh thẳng vào Cuba và cam đoan giành chiến thắng trong vòng 48 tiếng.

Đáp lại, Fomin cho rằng nhà lãnh đạo Liên Xô rất tôn trọng Tổng thống Kennedy, coi ông này có tầm nhìn xa trông rộng, thể hiện qua việc ngăn chặn giới quân nhân lôi kéo Mỹ vào “một cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhất với hậu quả khôn lường”. Về việc tiến công Cuba, Fomin cho rằng điều này chẳng khác gì “tạo cho Khrushov quyền được tự do hành động, và Liên Xô có thể giáng đòn đánh trả Mỹ vào chỗ hiểm yếu hơn ở một nơi khác có ý nghĩa chính trị – quân sự quan trọng hơn”.

Câu trả lời này của Fomin gây bất ngờ cho Skaly. Ông ta hỏi lại: “Có phải anh ngụ ý “chỗ hiểm” ấy là Tây Berlin? Tôi nghĩ quân đội Mỹ và đồng minh sẽ kiên quyết bảo vệ thành phố này”. “Đúng vậy”, Fomin nói, “để trả đũa thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Với những dòng thác xe tăng tiến về phía Tây, những binh đoàn máy bay tiêm kích quét sạch mọi thứ trên mặt đất thì chỉ cần 24 tiếng đồng hồ, các sư đoàn Liên Xô sẽ đè bẹp sự kháng cự của các đơn vị đồn trú Mỹ, Anh, Pháp để đánh chiếm Berlin”.

Những lời nói của Fomin đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với Skaly. Ông ta kết luận rằng chiến tranh với những hậu quả khôn lường như vậy là không còn xa nữa, và hỏi người đối thoại của mình: “Vậy thì theo anh vì cái gì mà phải bắt đầu chiến tranh?”. Fomin trả lời: “Vì hai bên sợ lẫn nhau. Vì Cuba sợ bị tiến công, còn Mỹ sợ bị tên lửa bắn từ Cuba”.

Ngay sau cuộc gặp, Skaly đi thẳng đến Nhà Trắng. Chỉ 2-3 giờ sau đó, cũng thông qua John Skaly, Kennedy đã đưa ra đề nghị mang tính nhân nhượng nhằm giải quyết khủng hoảng. Skaly lập tức mời Fomin đến gặp và “được sự uỷ quyền của nhà lãnh đạo tối cao”, thông báo cho Fomin những điều kiện giải quyết khủng hoảng, bao gồm: 1. Liên Xô tháo dỡ và dưới sự giám sát của Liên Hợp quốc đưa tên lửa ra khỏi Cuba; 2. Mỹ bãi bỏ phong toả; 3. Mỹ cam kết không tiến công Cuba.

Fomin ghi chép cẩn thận những điều kiện do Skaly đưa ra, yêu cầu Skaly xác định rõ “nhà lãnh đạo tối cao” chính là Tổng thống Kennedy và cam kết sẽ nhanh chóng báo cáo về Moscow. Trở về sứ quán, Fomin thảo bức điện báo và chuyển cho Đại sứ Dobrunin kí. Nhưng đại sứ không kí vào bức điện đó với lí do Bộ Ngoại giao không uỷ quyền cho ông tiến hành những cuộc hội đàm như thế. Thế là, Fomin tự kí vào bức điện và chuyển nó cho Tướng Sakharovski, Giám đốc Tổng cục Tình báo đối ngoại. Ngày 27/10, trong công hàm gửi Khrushov, Kennedy chính thức khẳng định những điều kiện nhân nhượng đã được trao đổi qua kênh Skaly – Fomin.

Nhiều năm sau, khi hồi tưởng lại sự kiện này, nhà tình báo Feklisov nhấn mạnh rằng không ai giao nhiệm vụ cho ông đưa ra ý tưởng đánh chiếm Berlin như một biện pháp trả đũa của Liên Xô trước việc Mỹ tiến công Cuba. Hành động này tựa như một sáng kiến xuất thần trong đầu ông: “Tôi đã nói với tinh thần dám chịu trách nhiệm trước hành động của mình, bởi sau khi phân tích tình hình tôi nghĩ rằng sự việc sẽ xoay chiều đúng như vậy... Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy quả là mình đã mạo hiểm, nhưng không hề sai lầm”.

Chiến dịch làm lụi tàn “Mùa xuân Praha”

Từ giữa thập niên 1960, trong một bộ phận dân chúng và giới lãnh đạo Tiệp Khắc đã nhen nhóm ý tưởng khôi phục “truyền thống Trung Âu”, xem xét lại chính sách đối ngoại theo hướng thân phương Tây hơn. Tháng 11/1967, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, phái “cải cách” đứng đầu là Dubcek đòi tách Đảng khỏi chính quyền và tiến hành các cải cách kinh tế – chính trị. Bí thư thứ nhất kiêm Chủ tịch nước Novodnui không đủ sức ngăn cản trào lưu này.

Tháng 3/1968, chức bí thư thứ nhất về tay Dubcek. Chẳng bao lâu sau chức chủ tịch nước cũng chuyển giao cho tướng Svoboda. Đến ngày 5/4, BCH Trung ương thông qua “Cương lĩnh hành động tháng 4” với nội dung “cải cách toàn diện các mặt đời sống đất nước”. Ít lâu sau, Checnik – một trong những nhà lãnh đạo phái cải cách được bầu làm Thủ tướng. Đến đây, chính quyền ở Tiệp Khắc đã lọt vào tay phong trào dân chủ “Mùa xuân Praha”.

{keywords}
Alexander Dubček (phải) tại phi trường Budapest tháng 6/1968

Chỉ 2 ngày sau khi Novodnui bị cách chức Chủ tịch nước, nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đã mời lãnh đạo Ba Lan, CHDC Đức, Bulgaria, Hungary và Tiệp Khắc đến Moscow để bàn biện pháp ngăn cản hành động “qua nóng” của Tiệp Khắc, nhắc nhở Dubcek về “nguy cơ đang tiềm ẩn trong tình hình phức tạp” ở nước này có thể đe doạ lợi ích khối Warszawa và bày tỏ quyết tâm phối hợp hành động chống lại các phần tử chống CNXH.

Dubcek đã cảm ơn lòng tốt của các nhà lãnh đạo, song cho rằng sự lo lắng và ý định “phối hợp hành động” của các đồng minh là không cần thiết, vì Đảng Cộng sản Tiệp Khắc “được đại đa số quần chúng ủng hộ và các cải cách đang diễn ra là vì lợi ích của CNXH”. Kết quả là Thông cáo chung vẫn đưa ra những lời hết sức nhẹ nhàng là “tăng cường quan hệ giữa các nước XHCN trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

Trong khi đó, tại Tiệp Khắc, không khí vẫn sôi sùng sục. Người ta ăn mừng chiến thắng của đội tuyển khúc côn cầu trước đội tuyển Liên Xô trong trận chung kết của Đại hội Olimpic mùa đông tưng bừng một cách cố ý. Hàng ngàn người đổ ra đường; các nhân vật bất đồng chính kiến ngày xưa nay bỗng dưng xuất hiện như nấm, họ diễn thuyết ở mọi nơi trong thành phố…

Ngày 27/6, xuất hiện kiến nghị có chữ kí của 70 nhà hoạt động xã hội, được gọi là “Tuyên ngôn 2000 chữ”. 

Brezhnev gọi điện thoại cho Dubcek chính thức phản đối và yêu cầu Đảng Cộng sản Tiệp Khắc làm rõ lập trường của họ về vấn đề này. Ngày 8/7, Brezhnev gửi thư yêu cầu Dubcek tham gia Hội nghị những người đứng đầu các nước khối Warszawa để thảo luận về “mối đe doạ đối với CNXH ở Tiệp Khắc mà Tuyên ngôn 2000 chữ gây ra”. Song, Dubcek đã khước từ và đề nghị hội đàm song phương trước, sau đó mới tiến hành hội nghị cấp cao.

Ngày 15/7, Hội nghị nguyên thủ khối Warszawa vẫn diễn ra mà không có đoàn Tiệp Khắc. Hội nghị thông qua tuyên bố với lời lẽ cứng rắn: “Chúng ta không thể đồng ý để các thế lực thù địch lôi kéo các bạn của chúng ta xa rời con đường XHCN; đây không còn là công việc riêng của các bạn Tiệp Khắc mà là công việc chung của các nước khối Warszawa”. Dubcek viết thư trả lời rằng Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sẽ kiên trì đường lối của mình, và ở Tiệp Khắc không có tình hình phản cách mạng như Tuyên bố đề cập.

Liên tiếp trong 4 ngày, từ 29/7 đến 1/8, tại một thị trấn nhỏ của Tiệp Khắc nằm gần biên giới ba nước Xô - Tiệp – Hung, đã diễn ra các cuộc hội đàm căng thẳng giữa Brezhnev và toàn thể Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Brezhnev lên án Tiệp Khắc phản bội sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản, phục vụ cho lợi ích của chủ nghĩa đế quốc... Còn Dubcek một mực nhấn mạnh mục tiêu duy nhất của các cải cách ở Tiệp Khắc là xây dựng CNXH nhân đạo. Ngày 1/8, hai bên vẫn ra được thông cáo chung nhưng nội dung rất tẻ nhạt và chung chung.

Tối hôm đó trở về Praha, Dubcek nói với các phóng viên rằng ông ta mang về tin tức tốt lành, mọi người Tiệp có thể ngủ yên. Báo chí phương Tây cũng ầm ĩ lên tiếng ca ngợi thắng lợi của cải cách ở Tiệp Khắc. Người Tiệp đổ ra nước ngoài nghỉ phép, kể cả Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao. Bản thân Dubcek hiểu rằng đây chỉ là bước đệm trước khi giông tố xảy ra, song ông ta đã sai lầm về thời gian.

Ngày 11/8, quân đội Liên Xô bắt đầu cuộc diễn tập mới gần phía Đông, Đông Nam và phía Bắc Tiệp Khắc. Ngày 14/ 8, các đơn vị Liên Xô đóng tại CHDC Đức báo động khẩn cấp. Ngày 16/8, Nguyên soái Liên Xô Kulikov bay đến Đông Berlin và sau đó là Warszawa thị sát tình hình. Chiều 17/8, Dubcek triệu tập Đoàn Chủ tịch họp thâu đêm để thông qua chương trình cho Hội nghị Trung ương ngày hôm sau, song đã muộn. Ngay đêm đó, chiếc máy bay đầu tiên chở các chuyên gia “ổn định trật tự” của Liên Xô đã hạ cánh xuống sân bay Praha.

Ngày 18/8, Brezhnev lần lượt gọi điện cho các nhà lãnh đạo CHDC Đức, Ba Lan, Hungary và Bulgaria, thông báo ban lãnh đạo Liên Xô đã ra lệnh cho quân đội tiến vào Tiệp Khắc. Ngày 19/8, Bộ Chính trị Liên Xô họp khẩn cấp và bí mật, phê chuẩn hành động quân sự này. 

Ngày 20/ 8, Liên Xô bắt đầu triển khai một hành động quân sự được xem là thành công nhất trong lịch sử đương đại. Chiều hôm đó, sân bay Luki ở Praha nhận được tín hiệu xin hạ cánh khẩn cấp của 2 máy bay dân dụng Liên Xô đang trên đường tới Nam Tư vì lí do trục trặc kĩ thuật. Theo thông lệ quốc tế, Luki không thể từ chối những yêu cầu tương tự.

Mười một giờ đêm, không có bất cứ thông báo nào, liên quân Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Hungary và Bulgaria bất thình lình tràn vào Tiệp Khắc từ 4 hướng Đông, Nam, Bắc và Đông Bắc, dẫn đầu là sư đoàn cơ giới tinh nhuệ của Liên Xô đã ém sẵn từ đợt diễn tập trước đó. Đồng thời, các “hành khách” trên 2 máy bay bị “trục trặc kĩ thuật” lấy vũ khí để sẵn trong các vali hành lí và nhanh chóng đánh chiếm sân bay. Hai chiếc máy bay “hỏng hóc” bắt đầu hoạt động như những radar.

Dưới sự dẫn đường của hai bộ radar này, các máy bay vận tải cỡ lớn AN-2 nhanh chóng hạ cánh cùng xe tăng, xe bọc thép chở quân, đại pháo, xe tải và các nhu yếu phẩm. Những chiếc xe hơi gọn nhẹ chở các nhân viên KGB dẫn đường cho các đoàn xe bọc thép từ sân bay tiến thẳng đến các mục tiêu quan trọng trong thành phố Praha. Chưa đầy 24 giờ, Tư lệnh chiến dịch báo cáo về Moscow là các cánh quân đã hoàn thành nhiệm vụ. Toàn bộ lãnh thổ Tiệp Khắc bị đánh chiếm, hầu hết các nhà lãnh đạo “cải cách” chủ chốt bị bắt giữ.

Quân đội các nước Warszawa còn đóng lại ở Tiệp Khắc lại một thời gian nữa, cho đến khi ban lãnh đạo mới của Tiệp Khắc do Hustav Husak đứng đầu ổn định được tình hình. Tổng thống Johnson triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia họp suốt đêm 20/8 và ngày hôm sau ra tuyên bố lên án, đồng thời yêu cầu Liên Xô rút toàn bộ quân đội ra khỏi Tiệp Khắc”. Sáng 22/8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói: “Hành động này làm tổn hại đến quan hệ Đông – Tây, song chúng tôi chưa xem xét vấn đề trả đũa hay trừng phạt”.

Người Nga đã đúng trong các phán đoán của mình. Nước Mỹ đang sa lầy ở Việt Nam, nên không còn bụng dạ và sức lực nào để đối địch với binh sỹ của khối Warszawa sung sức và được trang bị hiện đại.

(Còn tiếp)

Nguyên Phong