Nguyên nhân

Nguyên nhân chủ yếu đưa đến cuộc khủng hoảng là do sản xuất của chủ nghĩa tư bản (CNTB) tăng lên quá nhanh trong giai đoạn ổn định, nhưng nhu cầu và sức mua của người dân lại không tăng tương ứng, khiến hàng hóa ế thừa và dẫn tới suy thoái trong sản xuất.

Chính vì vậy, đây được xem là cuộc khủng hoảng thừa, trái ngược với cuộc khủng hoảng 1919 – 1924 được xem là cuộc khủng hoảng thiếu.

Cụ thể, khả năng sản xuất vượt quá khả năng tiêu thụ thực tế, một phần lớn thu nhập quốc dân thuộc về một số ít người. Lợi nhuận của công ty tăng, trong khi người lao động không được nhận phần xứng đáng, không có khả năng mua được hàng hóa do chính họ sản xuất.

{keywords}
Người dân xếp hàng chờ trợ cấp Ảnh: AP

Một lý do khác nữa là, chính sách thuế và những món nợ của các chính phủ làm cho hàng hóa không thể bán ra nước ngoài.

Việc cấp tín dụng quá dễ dàng, nhất là ở Mỹ, cũng tạo ra sự lạm dụng. Người ta mua chứng khoán chủ yếu để đầu cơ, bán lại kiếm lời một thời gian ngắn sau đó. Hậu quả là chính phủ và tư nhân đều rơi vào tình trạng nợ nần.

Ngoài ra, quá trình cơ giới hóa được đẩy mạnh đã làm giảm nhu cầu về thợ không lành nghề và đẩy họ vào con đường thất nghiệp. Thất nghiệp gia tăng thì sức mua giảm. Chính phủ không có chính sách đúng đắn để thủ tiêu nạn thất nghiệp, không thể giảm được nạn nghèo đói.

Diễn biến

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 diễn ra hầu khắp thế giới tư bản, nhưng với quy mô và thời gian khác nhau ở các nước.

Như tại Mỹ, sau khi giá cổ phiếu hạ xuống mức chưa từng có ở thị trường chứng khoán New York trong “ngày Thứ Năm đen tối” (24/10/1929), ngày 29/10/1929, giá một cổ phiếu được coi là bảo đảm nhất đã sụt 80% so với tháng 9. Các cổ đông đã mất 15 tỉ USD, giá trị các loại chứng khoán giảm 40 tỉ USD, hàng triệu người bị mất sạch số tiền mà họ tích cóp cả đời.

Tiếp đó, các nhà máy liên tiếp đóng cửa, hàng nghìn ngân hàng theo nhau phá sản, hàng triệu người thất nghiệp không còn phương kế sinh sống, hàng nghìn người mất nhà cửa vì không trả được tiền cầm cố, nhà nước không thu được thuế, công chức không được trả lương..

Đến năm 1932, cuộc khủng hoảng đạt tới đỉnh cao nhất, khi giá trị hàng xuất khẩu từ 5 tỉ 241 triệu USD giảm xuống còn 2,4 tỉ USD; nhập khẩu từ 4 tỉ 399 triệu USD giảm xuống còn 1 tỉ 322 triệu USD; thu nhập quốc dân giảm một nửa, con số thất nghiệp lên tới 12 triệu người…

Tại Đức, đến năm 1933, hệ thống sản xuất công nghiệp chỉ sử dụng hết 35,7% công suất mà số sản phẩm ít ỏi làm ra vẫn không tiêu thụ được, do đó, nhiều xí nghiệp bị phá sản. Tiền lương thực tế của người lao động giảm 30%, có tới 9 triệu người thất nghiệp…

Hậu quả

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã tàn phá khủng khiếp nền kinh tế thế giới: sản lượng công nghiệp giảm 45%, số nhà xây mới giảm 80%, khoảng 5.000 ngân hàng bị phá sản, khoảng 50 triệu người thất nghiệp, phải sống trong cảnh nghèo đói.

Trong bối cảnh đó, mâu thuẫn xã hội bùng nổ gay gắt. Hàng nghìn cuộc biểu tình của những người thất nghiệp đã nổ ra, nhiều trường hợp đã dẫn tới xung đột với cảnh sát và quân đội. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian từ năm 1928 đến cuối năm 1933, số người tham gia bãi công ở các nước tư bản đã lên tới 17 triệu, còn số ngày bãi công là 267 triệu.

Nguy hiểm hơn, các nước tư bản không có hoặc có ít thuộc địa ngày càng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và thị trường, đã đi theo con đường phát xít hóa chế độ chính trị hòng cứu vãn tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng của mình. Điển hình là ở Đức, Italia và Nhật Bản, từ đó, bắt đầu hình thành những lò lửa chiến tranh.

Trong khi đó, những nước như Mỹ, Anh, Pháp… vì có thuộc địa, vốn và thị trường, có thể thoát ra khỏi khủng hoảng bằng những cải cách kinh tế - xã hội một cách ôn hòa, nên chủ trương tiếp tục duy trì nguyên trạng hệ thống Versailles – Washington.

Từ đó, quan hệ giữa các cường quốc tư bản chuyển biến ngày càng phức tạp. Sự hình thành hai khối đối lập – giữa một bên là Đức, Italia, Nhật Bản với một bên là Mỹ, Anh, Pháp, cùng cuộc chạy đua vũ trang của hai khối đã báo hiệu một cuộc chiến tranh mới không thể tránh khỏi.

Nguyên Phong

Nước hưởng lợi nhất ở hội nghị Washington sau Thế chiến I

Nước hưởng lợi nhất ở hội nghị Washington sau Thế chiến I

Mục đích thật của Mỹ là tìm cách củng cố vị trí trên thế giới và ở khu vực Thái Bình Dương.

Người gây bạo loạn ở đồi Capitol đối diện tội danh, mức án nào?

Người gây bạo loạn ở đồi Capitol đối diện tội danh, mức án nào?

Giới chức chính quyền đã khởi động tiến trình pháp lý nhằm vào người biểu tình quá khích đột nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1.