Là một siêu cường có quan hệ kinh tế, quân sự, văn hóa và ngoại giao trải khắp thế giới nên các diễn biến trên chính trường Mỹ đều có tác động toàn cầu dù nhiều hay ít. Do vậy, một cuộc bầu cử thay đổi người sẽ lãnh đạo Nhà Trắng được dư luận toàn cầu quan tâm.

{keywords}
 

Bầu cử diễn ra giữa đại dịch Covid-19

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 được đánh giá là mang tính lịch sử vì diễn ra trong bối cảnh xã hội Mỹ bị phân hóa sâu sắc và đối mặt với khủng hoảng đa chiều, từ y tế (đại dịch Covid-19) đến suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội.

Trong số 218 quốc gia và vùng lãnh thổ bị Covid-19 tấn công, Mỹ hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng chục triệu người nhiễm bệnh và hàng trăm nghìn người tử vong.

Những hệ lụy và tác động nghiêm trọng đến mức từ một dịch bệnh ít người quan tâm, Covid-19 đã trở thành chủ đề chính, thậm chí lớn nhất, trong các cuộc tranh luận chính trị và khoét sâu thêm mâu thuẫn đảng phái. Đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm virus, một việc đơn giản ở nhiều quốc gia trên thế giới và được giới chuyên gia y tế khuyến cáo, cũng trở thành vấn đề chính trị gây tranh cãi ở Mỹ với nhiều quan điểm trái ngược.

Covid-19 gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng vô số doanh nghiệp làm ăn bết bát và phá sản, đẩy hàng chục triệu lao động vào cảnh mất việc làm. Thực tế này đè nặng thêm lên một nước Mỹ vốn vẫn đang chật vật đương đầu với các vấn đề cố hữu, như chia rẽ chính trị và phân biệt chủng tộc.

Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử chính là cuộc trưng cầu dân ý cho nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Donald Trump. Tiến sĩ Ashwin Vasan thuộc Trung tâm y tế Đại học Columbia ở New York nhận định, ở một mức độ nào đó, nó là một cuộc trưng cầu dân ý về những gì đã diễn ra trong 8-9 tháng trước ngày bầu cử, quanh vấn đề liệu chính quyền đương nhiệm có đặt ra được một kế hoạch ứng phó dịch bệnh và thực hiện kế hoạch đó hay không.

Những người ủng hộ Tổng thống Trump quả quyết, nếu không có những hành động và quyết định mà ông đã đưa ra thì diễn tiến dịch bệnh còn nghiêm trọng hơn nhiều. Những người khác lập luận, nếu chính quyền ủng hộ các biện pháp giới hạn ở các bang sớm hơn và lắng nghe khuyến nghị của giới chuyên gia y tế thì hàng nghìn người đã không bỏ mạng như vậy.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Bloomberg

Hai ứng viên cao tuổi nhất

Trong cuộc bầu cử 2020, cử tri Mỹ đã phải chọn lựa giữa hai ứng viên tổng thống già nhất trong lịch sử chính trị nước này.

Sau 3 thập niên "nuôi mộng" làm tổng thống, ông Joe Biden cuối cùng cũng đạt được mục tiêu. Ở tuổi 78, ông trở thành tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử Mỹ và sẽ kết thúc nhiệm kỳ ở tuổi 82. Trước đó, vào năm 2016, Donald Trump đã thiết lập kỷ lục là Tổng thống Mỹ cao tuổi nhất khi thắng cử ở tuổi 70.

Việc hai chính trị gia tuổi cao như vậy cạnh tranh nhau vào Nhà Trắng có vẻ là "bất thường" ở Mỹ, nơi xu hướng chung là thần tượng tuổi trẻ. Tuy nhiên, nó phản ánh sự khát khao thay đổi của người dân nước này và chứng tỏ tuổi tác không phải là rào cản, thậm chí còn là lợi thế vì bề dày kinh nghiệm.

"Người Mỹ hiện nay sống lâu và sống khỏe hơn bao giờ hết. Do đó thể trạng của Joe Biden 77 tuổi có thể hơn Ronald Reagan lúc 69 tuổi. Ông Donald Trump đã chứng tỏ bản thân là một nhà vận động mạnh mẽ trên đường tranh cử dù 74 tuổi", ông Wendy Schiller, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Brown lý giải.

Hai đường lối trái ngược nhau

Hai ông Donald Trump và Joe Biden được giới phân tích mô tả như hai thái cực trái ngược, với cách tiếp cận khác biệt nhau trong nỗ lực giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước.

{keywords}
Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AP

Sau cương lĩnh tranh cử "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" năm 2016, ông chủ trương "Giữ cho nước Mỹ vĩ đại" trong chiến dịch tranh cử năm nay, tập trung vào kinh tế, việc làm và thuế, đồng thời đặt mục tiêu khôi phục kinh tế về mức trước khi bị đại dịch Covid-19 tấn công. Ông cam kết "thiết lập các thỏa thuận thương mại công bằng để bảo vệ việc làm của người Mỹ" và tin điều kiện giúp kinh tế hồi phục trở lại, là mở cửa lại nền kinh tế và trường học.

Ông Joe Biden với cương lĩnh "Xây dựng lại tốt đẹp hơn" (Build back better) hướng đến hủy bỏ các khoản cắt giảm thuế mà chính quyền Trump đang thực thi, đề xuất tăng thuế doanh nghiệp, nâng thuế thu nhập cá nhân và tăng lương tối thiểu. Ông vạch kế hoạch tăng thuế lên 4 nghìn tỷ USD để tiếp sức cho các chương trình liên bang, đưa nước Mỹ thoát khỏi suy thoái, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, cho các bang và tăng trợ cấp thất nghiệp.

Về đối ngoại, Tổng thống Trump vẫn hướng tới việc từ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm bớt sự can thiệp ở bên ngoài để tập trung nâng cao sức mạnh nội địa, từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn, sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi.

Trong khi đó, ông Joe Biden muốn khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, cam kết mở ra "làn sóng thần"  thay đổi trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế. Ông ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là NATO.

Về quan hệ với Trung Quốc, ông Biden khẳng định Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành vi thương mại không công bằng nhưng tỏ tín hiệu sẽ giải quyết thông qua một nỗ lực quốc tế chứ không phát động thương chiến. Ông cũng cam kết đảo ngược một số quyết sách của Tổng thống đương nhiệm bằng cách khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng thống Trump đặt kỳ vọng vào bào chế thành công vắc-xin cuối năm 2020 và cam kết "trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021". Ông chủ trương tích trữ đủ nhu yếu phẩm và đảm bảo lực lượng lao động trọng yếu có đủ nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đương đầu với các đại dịch trong tương lai. Ông cũng theo đuổi lập trường xóa bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, còn gọi là Obamacare, và thay thế đạo luật này bằng một chương trình tốt hơn.

Ông Joe Biden 'tố' Tổng thống đương nhiệm phản ứng chậm trễ, đổ lỗi cho bên ngoài, không tin vào giới chuyên gia khoa học, và thường xuyên đưa ra khuyến cáo không đúng về các loại thuốc chữa. Cựu Phó Tổng thống và phe Dân chủ thúc giục các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo nhất quán, tăng ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp để duy trì việc làm, hợp tác với Quốc hội miễn phí xét nghiệm và điều trị Covid-19.

Số cử tri bỏ phiếu kỷ lục và kiểm phiếu kéo dài

Năm 2020, có khoảng 230 triệu người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu và con số kỷ lục 160 triệu người đã thực hiện quyền của mình.

{keywords}
Hàng trăm người xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm ở Marietta, bang Georgia. Ảnh: AP

Vì đại dịch Covid-19, nước này cho phép bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua đường bưu điện để tránh lây nhiễm virus, dẫn đến hơn 100 triệu cử tri đã bỏ phiếu trước ngày bầu chính thức. Đây là con số cao chưa từng có trong lịch sử bầu cử Mỹ hơn 100 năm qua.

Quá trình kiểm phiếu bầu cũng kéo dài, xuất phát từ thực tế số người bỏ phiếu qua bưu điện tăng cao khiến các nhân viên bầu cử phải kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa phiếu vào máy đếm. Mỗi bang lại có những quy định khác nhau về thời gian bắt đầu kiểm phiếu, trong khi một loạt khiếu kiện bầu cử của chiến dịch Trump càng khiến quá trình này tốn thêm thời gian.  

Thêm một số điểm đặc biệt

Tổng chi tiêu cho cuộc bầu cử 2020 cao "chất ngất". Theo báo cáo hồi tháng 10/2020 của Trung tâm Phản ứng chính trị Mỹ (CRP), con số này đạt gần 14 tỷ USD, vượt xa số tiền được chi trong hai kỳ bầu cử trước cộng lại.

Theo tính toán của CRP, các chiến dịch tranh cử của ông Biden và ông Trump có chi phí lên tới khoảng 6,6 tỷ USD, nhiều hơn 2 tỷ USD trong cuộc chạy đua năm 2016. Các đảng viên Dân chủ chi tiêu nhiều nhất, lên tới 6,9 tỷ USD so với mức 3,8 tỷ USD của các ứng cử viên và nhóm đảng viên Cộng hòa.

Tin giả cũng là một hiện tượng khác thường của cuộc bầu cử. Với sự phát triển của mạng xã hội và khoa học công nghệ, việc xuất hiện thông tin sai lệch liên quan bầu cử không còn xa lạ với nước Mỹ, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, thậm chí là TikTok.

Cuộc bầu cử ở Mỹ còn chứng kiến nhiều vụ khiếu kiện nhất. Chiến dịch của Tổng thống Trump đã đâm một loạt đơn kiện kết quả tại nhiều tiểu bang, tuy nhiên hầu hết được rút lại hoặc bị tòa án bác bỏ

Bạo loạn tại đồi Capitol, ông Biden chính thức chiến thắng

Ngày 6/1/2021, khi Quốc hội Mỹ họp để xác nhận phiếu Cử tri đoàn cho cuộc bầu cử tổng thống, hàng chục nghìn người đã kéo đến bên ngoài Nhà Trắng để cổ vũ cho những cáo buộc của Tổng thống Trump và các đồng minh rằng cuộc bầu cử “đã bị đánh cắp”.

{keywords}
Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump bao vây trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Ảnh: Reuters.

Biểu tình lúc đầu diễn ra trong hòa bình, nhưng sau khi đám đông tuần hành xuống hai con đường dẫn đến đồi Capitol, bạo lực đã nổ ra giữa lúc nhiều người tìm cách trèo tường, vượt rào để đột nhập vào bên trong tòa nhà Quốc hội.

Lực lượng an ninh mặc áo giáp được triển khai dày đặc, chốt giữ tại Thượng viện. Hàng loạt thiết bị bảo đảm an ninh được rải khắp các hành lang của tòa nhà để đảm bảo phiên họp kiểm phiếu diễn ra an toàn.

Kết quả kiểm phiếu chính thức mang lại chiến thắng cho Joe Biden, khi ông nhận được 306 phiếu đại cử tri, còn ông Trump chỉ giành được 232 phiếu.

Kết thúc phiên họp, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ 2020, khép lại mọi tranh cãi dai dẳng nhiều ngày qua về cuộc bầu cử có một không hai trong lịch sử Mỹ này. Tổng thống Trump sau đó đã cam kết sẽ chuyển giao quyền lực ''một cách trật tự'' cho người kế nhiệm.

Toàn cảnh bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Thanh Hảo

Những ngày cuối tại nhiệm thảm hoạ của ông Trump

Những ngày cuối tại nhiệm thảm hoạ của ông Trump

Nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sắp khép lại, và liên tiếp những diễn biến bất lợi khiến cho những ngày cuối của ông ở Nhà Trắng trở thành thảm hoạ.

Những điều đặc biệt trong lễ nhậm chức của ông Biden

Những điều đặc biệt trong lễ nhậm chức của ông Biden

Ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1.