Năm 1988, một nhà khoa học quân sự Đài Loan đã ngăn chặn thành công việc vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc này định chế tạo bom hạt nhân.

Đó là ông Chang Hsien-yi. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin BBC mới đây, ông cho biết mình không bao giờ hối tiếc về việc đã làm. "Nếu quay lại từ đầu, tôi vẫn làm như vậy", ông Chang, hiện đã 73 tuổi, cho hay.

{keywords}
Ảnh: BBC

Ông Chang Hsien-yi sống ở Mỹ kể từ năm 1988 sau khi rời Đài Loan và cuộc gặp BBC là lần trả lời phỏng vấn chi tiết nhất mà ông từng kể về thời điểm đó.

Đe dọa khủng hoảng hạt nhân

Vào thời điểm đó, Washington phát hiện Đài Loan bí mật ra lệnh cho các nhà khoa học phát triển vũ khí hạt nhân. Washington lo ngại tình trạng hạt nhân hóa ở eo biển Đài Loan và thấy cần ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Đài Loan, cũng như chặn trước một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực.

Vì thế, Mỹ tuyển dụng ông Chang để ngăn chặn chương trình của Đài Loan.

Khi được CIA chiêu mộ vào đầu những năm 1980, ông Chang là Phó giám đốc Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân Đài Loan, cơ quan chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hạt nhân.

Ở cương vị của mình, ông Chang đang có một cuộc sống nhiều đặc quyền và lương cao. Tuy nhiên, ông tự hỏi liệu Đài Loan có nên có vũ khí hạt nhân không, đặc biệt là sau khi vụ nổ Chernobyl vào năm 1986.

Ông Chang đã bị Mỹ thuyết phục rằng việc ngăn chặn chương trình hạt nhân là tốt cho hòa bình, cho lợi ích giữa hai bờ eo biển Đài Loan. "Điều đó hợp với suy nghĩ của tôi. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất mà tôi đồng ý đó là họ đảm bảo tối đa về sự an toàn của tôi".

Nhiệm vụ tiếp theo là đưa ông Chang và gia đình rời Đài Loan.

Chạy trốn vì hòa bình

Để bảo đảm cho vợ con được an toàn, ông Chang đã đưa họ sang Nhật để du lịch. Vợ ông Chang, Betty không hề biết gì về cuộc sống hai mặt của chồng. Họ chỉ nói với nhau về khả năng ông Chang sẽ nhận một việc làm tại Mỹ.

Bà Chang rời Đài Loan vào ngày 8/1/1988 cùng ba con. Họ vui vẻ tới thăm Disneyland ở Tokyo. Vài ngày sau, ông Chang bay tới Mỹ bằng hộ chiếu giả do CIA cung cấp. Ông chỉ đem theo tiền mặt và vài món đồ cá nhân.

Nhà khoa học này khẳng định, ông không mang theo bất cứ tài liệu nào khi rời Đài Loan. "Chính phủ Mỹ đã có mọi bằng chứng, họ chỉ cần ai đó để chứng thực điều đó. Và tôi là người có thể xác nhận", ông nói.

Trong khi đó, ở Tokyo, Betty Chang được một phụ nữ giao cho một lá thư của chồng. Đến lúc này, bà Betty mới biết chồng là điệp viên CIA và đã đào tẩu.

Bà Chang kể lại, nội dung lá thư viết "em không thể quay trở lại Đài Loan. Từ Nhật, em sẽ bay thẳng tới Mỹ...". "Đó là điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi đã khóc vì biết rằng mình không thể trở lại Đài Loan", bà nói.

Bà Chang và các con lên máy bay tới Seattle, Mỹ. Ở đó, ông Chang đã có mặt sẵn ở sân bay. Gia đình nhà khoa học này đã được đưa tới một ngôi nhà an toàn ở Virginina.

Chỉ trong vòng 1 tháng, Mỹ đã gây sức ép thành công, buộc Đài Loan chấm dứt chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân, dựa trên tin tình báo và chứng thực của ông Chang. Vào thời điểm đó, Đài Loan đã gần chế tạo được bom hạt nhân.

Hoài Linh