Rạng sáng ngày 2/8/1990, Iraq bắt đầu tiến đánh Kuwait, quốc gia láng giềng nhỏ bé nhưng giàu tài nguyên dầu mỏ. Động thái đã châm ngòi nổ Chiến tranh Vùng Vịnh (1990 - 1991), cuộc xung đột lớn đầu tiên trên thế giới kể từ sau Chiến tranh Lạnh, rốt cuộc lôi kéo tới gần 30 nước tham gia.

Từ rất lâu trước khi chiến tranh bùng phát, Iraq và Kuwait đã có mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Hai nước láng giềng có nhiều mâu thuẫn dai dẳng từ thời phong kiến, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

{keywords}
Ảnh: History.com

3 năm sau khi nước Cộng hòa Iraq ra đời vào năm 1958, Kuwait cũng tuyên bố độc lập, tham gia Liên hợp quốc và trở thành thành viên của Liên minh Arập. Song, Iraq vẫn không công nhận đường biên giới với Kuwait vì còn bất đồng về việc cắm mốc. Ngoài ra, hai nước cũng tranh chấp chủ quyền đối với hai hòn đảo Warbah và Bubiyan ở phía tây Vịnh Ba Tư.

Năm 1973, Iraq từng dùng vũ lực chiếm một đồn biên phòng của Kuwait, nhưng phải rút quân sau đó vì sự phản đối dữ dội của các quốc gia Arập. Các cuộc đàm phán năm 1975 nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên không đem lại kết quả.

{keywords}
Tổng thống Iraq Saddam Hussein (phải) và Quốc vương Kuwait Emir Shaikh Jaber Al Ahmad Al Sabah trong một cuộc gặp trước khi xảy ra chiến tranh. Ảnh: Gulf News

Mâu thuẫn từng lắng dịu trong những năm 1980, khi Kuwait, với tư cách "người anh em Arập" tài trợ 17 tỉ USD cho Iraq đánh Iran, một nước "phi Arập". Đáng tiếc, sau sự kiện này, bất đồng giữa chính quyền Baghdad và Kuwait lại gia tăng.

Tháng 5/1990, tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Arập ở Baghdad, ông Saddam Hussein, Tổng thống Iraq lúc bấy giờ lớn tiếng cáo buộc các nước Arập khác sản xuất dầu vượt hạn mức, dẫn đến tình trạng sụt giảm mạnh giá dầu thô thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Iraq. Viện dẫn lí do này, ông Saddam đòi các chính phủ Arập phải xóa nợ hơn 10 tỉ USD cho Baghdad. Về sau, chính quyền Saddam cũng lên án việc Kuwait khai thác dầu trái phép ở Rumaila, khu vực có trữ lượng dầu "khủng", ước tính lên tới 17 tỉ thùng nhưng vẫn còn trong tình trạng tranh chấp giữa hai nước.

Một số nước thành viên thuộc Liên minh Arập đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Iraq - Kuwait. Song, tình hình vẫn rất căng thẳng. Ngoài bàn thương lượng, Baghdad rục rịch đưa quân tới cắm chốt ở khu vực biên giới.

{keywords}
Quân Iraq tràn sang Kuwait. Ảnh: Word Press

Ngày 30/7/1990, Iraq ra lệnh cho khoảng 100.000 lính cùng 300 xe tăng và 300 khẩu pháo hạng nặng chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống chiến đấu. Giới quan sát nhận định, động thái vừa nhằm gây sức ép với Kuwait trên bàn đàm phán, vừa nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự chống lại nước láng giềng trong trường hợp đàm phán thất bại.

Hai ngày sau khi các cuộc thương thuyết tại Jeddah, Arập Xêút đổ vỡ, vào rạng sáng 2/8/1990, quân Iraq ồ ạt tràn sang biên giới, tiến đánh nước láng giềng. Sự kiện đã chính thức châm ngòi nổ cho Chiến tranh Vùng Vịnh (1990 - 1991) hay "Cuộc chiến giải phóng Kuwait" như cách gọi của nhiều người Arập và phương Tây.

Khoảng 1h ngày 2/8/1990, ba sư đoàn thuộc lực lượng Vệ binh cộng hòa Iraq (RGFC) đồng loạt tập kích sang bên kia biên giới, trong đó một sư đoàn bộ binh cơ giới và một sư đoàn thiết giáp tấn công theo hướng nam. Một sư đoàn thiết giáp thứ hai tấn công yểm trợ từ phía tây.

Đến 1h30, lực lượng tác chiến đặc biệt của RGFC dùng trực thăng và các phương tiện đổ bộ bằng đường biển mở đợt tấn công đầu tiên vào thủ đô Kuwait, đặc biệt là các cơ sở trọng yếu và cung điện của nhà vua nước này. Các lực lượng quốc phòng Kuwait nhanh chóng thất thủ trước sức mạnh áp đảo của quân láng giềng. Các hải cảng và sân bay quân sự lọt vào tay Iraq, khiến họ không thể phản kích.

{keywords}
Xe tăng Iraq lăn bánh trên đường phố thủ đô Kuwait ngày 2/8/1990. Ảnh: Guardian

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, binh lính Iraq đã chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kuwait, buộc vua nước này cùng gia đình ông và các lãnh đạo chính phủ phải tháo chạy sang Arập Xêút tị nạn. Một số đơn vị Kuwait cũng rút chạy sang bên kia biên giới nhằm bảo toàn lực lượng.

Chỉ trong vòng 4 ngày, Iraq đã điều tới hơn 200.000 binh sĩ cùng 2.000 xe tăng tham chiến ở Kuwait. Tổng thống Saddam nhanh chóng tuyên bố sáp nhập nước láng giềng nhỏ bé thành "tỉnh thứ 19 của Iraq" và thành lập chính quyền cấp tỉnh cắm chốt tại thủ đô Kuwait.

Bằng cách sáp nhập Kuwait, Iraq đã giành quyền kiểm soát hơn 20% trữ lượng dầu của thế giới và lần đầu tiên thực hiện được mục tiêu "mở đường thông ra biển". Thông qua việc thâu tóm quốc gia láng giềng giàu có hơn hẳn, với hàng trăm tỉ USD gửi ở các ngân hàng nước ngoài, thu về khoản lợi tức xấp xỉ 8,8 tỉ USD/năm, chính quyền Saddam được tin có thể bù đắp sự thiếu hụt ngân sách do kinh tế suy sụp sau cuộc chiến trước đó với Iran. Tất cả rốt cuộc nhằm hiện thực hóa tham vọng từ lâu của Iraq là trở thành một cường quốc ở Trung Đông, có khả năng chi phối cả Vùng Vịnh và thế giới Arập.

Tuy nhiên, các động thái của chính quyền Saddam đã vấp phải làn sóng lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Iraq bị buộc tội vi phạm luật pháp quốc tế, đem quân xâm lược một quốc gia có độc lập, chủ quyền.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) nhất trí ra nghị quyết lên án cuộc tấn công, chiếm đóng Kuwait và yêu cầu Iraq rút quân ngay lập tức về nước. Song, do chính quyền Saddam vẫn ngoan cố, phớt lờ các yêu cầu này, nên ngày 6/8/1990, HĐBA ra lệnh cấm vận thương mại đối với Iraq trên toàn cầu.

{keywords}
Xe quân sự Mỹ và xe tăng Arập Xêút tiến về thủ đô Kuwait. Ảnh: Time

Ngày 29/11/1990, HĐBA thông qua Nghị quyết 678, nêu rõ nếu đến ngày 15/1, Iraq không tự nguyện rút lực lượng khỏi Kuwait, các nước khác có quyền sử dụng “tất cả các phương tiện cần thiết” để buộc Iraq phải làm điều đó. Trên tinh thần nghị quyết này, một liên minh chống Iraq bao gồm 34 nước, do Mỹ dẫn đầu đã được thành lập.

{keywords}
Chiến hạm Mỹ USS Wisconsin tham gia chiến dịch Bão táp sa mạc. Ảnh: Rex Features

Tháng 1/1991, liên quân quyết định xúc tiến chiến dịch “Bão táp sa mạc” giải phóng Kuwait. Cuộc chiến Vùng Vịnh chính thức bước vào giai đoạn cao trào. Với ưu thế áp đảo về khí tài quân sự hiện đại cùng chiến thuật hợp lý, liên quân do Mỹ đứng đầu nhanh chóng giành chiến thắng chỉ sau hơn 1 tháng.

{keywords}
Quân Iraq đầu hàng. Ảnh: Corbis

Một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào ngày 6/3/1991, đánh dấu việc Kuwait được hoàn toàn giải phóng và khôi phục chủ quyền. Dù chính thể của Tổng thống Saddam và tiềm lực quân đội Iraq gần như vẫn còn nguyên vẹn, nhưng theo một số thống kê, ước tính có tới 60.000 lính Iraq tử trận, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh. Nước này cũng tổn thất khoảng 3.800 xe tăng, hơn 1.400 xe thiết giáp chở quân và xe chiến đấu bộ binh, khoảng 2.900 khẩu pháo và gần 360 máy bay cánh cố định.

{keywords}
Một khu dân cư ở thủ đô Baghdad, Iraq bị tàn phá sau một đợt pháo kích trả đũa của liên quân năm 1991. Ảnh: Rex Features

Ước tính có khoảng 100.000 - 200.000 dân thường Iraq đã thiệt mạng vì bị thương hoặc do thiếu nhu yếu phẩm và đồ chữa trị y tế trong thời gian diễn ra Chiến tranh Vùng Vịnh. Khoảng 85% công ty công nghiệp ở Iraq đã bị phá hủy hoặc bị hư hại nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Sputnik, thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt của LHQ với Iraq còn lớn hơn cả tổn thất nước này phải gánh chịu do giao tranh trực tiếp gây ra. Trong 13 năm bị áp đặt cấm vận kinh tế, Iraq ước tính đã mất tới hơn 200 tỉ USD chỉ vì xuất khẩu dầu giảm. Một số nguồn tin quả quyết, người dân nước này cũng chỉ nhận được 10% tổng số lương thực và thuốc men cần thiết để duy trì cuộc sống.

Tuấn Anh

Ngày này năm xưa: Động đất dữ dội, cả thành phố TQ tan hoang

Ngày này năm xưa: Động đất dữ dội, cả thành phố TQ tan hoang

Ngày 28/7/1976, một trận động đất dữ dội, mạnh 7,8 - 8,2 độ Richter đã san phẳng cả Đường Sơn, một thành phố công nghiệp có khoảng 1 triệu dân của Trung Quốc.

Ngày này năm xưa: Kết cục bi thảm của kẻ sát nhân có thật trong phim kinh dị

Ngày này năm xưa: Kết cục bi thảm của kẻ sát nhân có thật trong phim kinh dị

Ngày 26/7/1984, Ed Gein, kẻ sát nhân chuyên lột da tử thi, chết trong tù vì biến chứng ung thư. Hắn là nguyên mẫu cho nhiều bộ phim kinh dị của Hollywood.

Ngày này năm xưa: 'Vụ xét xử thế kỷ' chấn động nước Mỹ

Ngày này năm xưa: 'Vụ xét xử thế kỷ' chấn động nước Mỹ

Ngày 21/7/1925, John T. Scopes, một giáo viên trung học bị kết tội vi phạm luật cấm dạy Thuyết tiến hóa ở bang Tennessee, trong "vụ xét xử thế kỷ" của Mỹ.

Ngày này năm xưa: Bê bối hiếp dâm nhấn chìm sự nghiệp "võ sĩ thép"

Ngày này năm xưa: Bê bối hiếp dâm nhấn chìm sự nghiệp "võ sĩ thép"

Vụ cưỡng hiếp thí sinh hoa hậu Washington đã góp phần nhấn chìm sự nghiệp hứa hẹn của "võ sĩ thép" Mike Tyson, nhà vô địch quyền Anh hạng nặng trẻ nhất thế giới.

Tai nạn kinh hoàng của người huấn luyện cá sấu

Tai nạn kinh hoàng của người huấn luyện cá sấu

Trong lúc đám đông khán giả đang nín thở chờ xem người huấn luyện cá sấu trổ tài thì tai nạn kinh hoàng xảy ra.

Những quy tắc khắt khe vợ Hoàng tử Anh phải theo khi có thai

Những quy tắc khắt khe vợ Hoàng tử Anh phải theo khi có thai

Nếu mang bầu, Công nương Meghan Markle, người được mệnh danh "Nàng Lọ lem của Hoàng gia Anh" sẽ phải tuân thủ các quy tắc khắt khe.