Đảo núi lửa Iwo Jima ở Thái Bình Dương, nằm cách đông nam Nhật khoảng 1.200km, được khoảng 22.000 quân Nhật bảo vệ. Đảo này được coi là cao điểm chiến lược đối với bất kỳ cuộc tấn công tương lai nào nhằm vào đất liền của Nhật. Sau bốn ngày giao chiến, binh sĩ Mỹ đã chiếm được đỉnh núi Suribachi, điểm cao nhất đồng thời là vị trí chiến lược nhất trên đảo, và cắm cờ Mỹ.

{keywords}
 

Lúc 10h35 giờ địa phương, một nhóm lính thủy đánh bộ thuộc trung đội 3, tiểu đoàn 2, trung đoàn số 28 do Trung úy Harold Schrier dẫn đầu đã đi tới đỉnh núi và cắm cờ Mỹ. Tuy nhiên, lá cờ quá bé, không thể nhìn thấy rõ nếu đứng từ bờ biển.

Một lá cờ lớn hơn đã được tìm thấy và trao cho anh lính Rene Gagnon đưa lên đỉnh núi. Tại đây, anh lính Gagnon, trung sĩ Michael Strank, hạ sĩ Harlon Block, binh nhì Franklin Sousley, Ira Hayes và lính cứu thương John Bradley đã cùng nhau cắm cờ ở điểm cao nhất trên đảo.

{keywords}
Nhiếp ảnh gia Rosenthal

Bức ảnh chụp các binh sĩ cắm cờ trên một cái ống nước cũ đã được nhiếp ảnh gia hãng AP là Joe Rosenthal ghi lại. Rosenthal chụp 3 bức ảnh về sự kiện trên và bức đầu tiên, ghi lại cảnh 5 lính thủy đánh bộ và 1 lính hải quân trở thành bức ảnh được sao chép nhiều nhất trong lịch sử. Một đoạn phim đi kèm cho thấy bức tranh được chụp hoàn toàn tự nhiên.

Bức ảnh này sau đó trở thành biểu tượng của lực lượng thủy quân lục chiến lẫn những cố gắng của Mỹ.

{keywords}
 

Năm 1945, ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer và được nhà điêu khắc nổi tiếng Felix de Weldon sử dụng để kiến tạo đài liệt sĩ thủy quân lục chiến. Đài tưởng niệm này hoàn thành năm 1954 và hiện nằm gần nghĩa trang quốc gia Arlington ở Virginia.

Theo History, dù cờ được kéo lên song trận chiến Iwo Jima vẫn kéo dài thêm 31 ngày, trở thành chiến dịch đẫm máu nhất, tốn kém nhất trong lịch sử lính thủy đánh bộ Mỹ tại Thái Bình Dương. Hơn 6.000 lính Mỹ thiệt mạng khi tham gia trận chiến giành Iwo Jima, khoảng 17.000 lính khác bị thương. Về phần Nhật, chỉ có 200 lính trong tổng số 22.000 lính bảo vệ đảo, bị bắt sống.

Hoài Linh