Ngày 27/2, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc thông báo, Triệu Chính Vĩnh, cựu Bí thư tỉnh Thiểm Tây và Trần Quốc Cường, cựu Phó tỉnh trưởng Thiểm Tây bị nghi ngờ phạm tội nhận hối lộ. Phân viện số 1 đã chuyển cáo trạng tới Tòa án Trung cấp thành phố Thiên Tân.

Triệu Chính Vĩnh bị cáo buộc lợi dụng các chức vụ Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thiểm Tây, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Phó Tỉnh trưởng, Phó Bí thư, quyền Tỉnh trưởng, Tỉnh trưởng và Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây để kiếm lợi giúp người khác rồi nhận hối lộ cực lớn.

{keywords}
Triệu Chính Vĩnh khi còn tại chức

Trần Quốc Cường và Triệu Chính Vĩnh, cùng là đồng hương ở An Huy, đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm. Theo báo chí địa phương, Cường rất được lòng Vĩnh. Tổng thư ký chính quyền tỉnh là Tần Chính quan hệ không tốt với Vĩnh, nên Cường đã trở thành “đại quản gia” của Vĩnh trong chính quyền tỉnh.

Ngày 15/1/2019, Cường bị đưa đi. 20h30 tối cùng ngày, Vĩnh bị công bố điều tra, trở thành quan chức cấp bộ trưởng đầu tiên bị ngã ngựa trong năm. Hôm 4/1/2020, cả Vĩnh và Cường đều bị thông báo lập án điều tra. Đến ngày 8/1, cả hai đã bị bắt giam hình sự.

{keywords}
Trần Quốc Cường khi còn tại chức

Triệu Chính Vĩnh bị cho là "ngã ngựa" do liên quan đến vụ án các biệt thự Tần Lĩnh và vụ án về quyền sở hữu mỏ khoáng sản 100 tỷ Thiểm Tây. Vụ án ở Tần Lĩnh liên quan đến khu bảo tồn thiên nhiên ở khu đồi phía bắc của dãy núi Tần Lĩnh ở Thiểm Tây, “long mạch của Trung Quốc”.

Trong hơn mười năm sau năm 2000, có một số lượng rất lớn biệt thự tư nhân sang trọng được xây dựng trái phép ở đây, phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái. Dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã 6 lần đích danh yêu cầu chấn chỉnh, nhưng đã không được xử lý trong suốt 4 năm.

Mãi đến giữa tháng 8/2018, việc phá dỡ mới được bắt đầu thực hiện. Một loạt quan chức ở Thiểm Tây đã bị mất chức hoặc bị xử lý, trong đó bao gồm cả Bí thư Vĩnh.

{keywords}
Hơn một ngàn biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh bị phá bỏ

Theo thông tin công khai, có 1.194 biệt thự bất hợp pháp tại Tần Lĩnh đã được điều tra và xử lý, trong khi Vĩnh báo cáo trung ương chỉ có 202 biệt thự. Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV) tiết lộ rằng Vĩnh khi đó là Bí thư Thiểm Tây. Khi nhận được chỉ thị từ ông Tập, Vĩnh đã không truyền đạt, phổ biến hoặc nghiên cứu thực hiện trong Ủy ban Thường vụ tỉnh ủy.

Triệu Chính Vĩnh còn liên quan đến vụ án tranh giành quyền khai thác mỏ khoáng sản Thiểm Bắc trị giá trăm tỷ tệ. Vụ án này có nguồn gốc từ hơn 10 năm trước.

Doanh nhân tư nhân Thiểm Tây Triệu Phát Kỳ đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp quốc doanh cấp tỉnh ở địa phương, nhưng sau khi phát hiện ra khu mỏ có giá trị tới hàng trăm tỷ, doanh nghiệp quốc doanh đã ký một hợp đồng hợp tác thăm dò khai thác với doanh nghiệp khác, dẫn đến tranh chấp, gây nên thiệt hại lớn cho Kỳ.

Ngoài ra, Triệu Chính Vĩnh xuất thân trong hệ thống chính pháp. Ông ta bị buộc tội là “dư độc” của Chu Vĩnh Khang, đã hợp tác với Chu Bân, con trai cả của Chu Vĩnh Khang.

Tạp chí Tài Kinh cũng tiết lộ, Triệu Chính Vĩnh đã can thiệp vào công tác nhân sự của Thiểm Tây để kiếm chác. Tin cho biết, trong thời gian Vĩnh nắm quyền ở Thiểm Tây, có 42 lãnh đạo cấp trưởng cơ quan đảng, chính quyền cấp thành phố và quận với nhiệm kỳ chưa tới 3 năm đã bị điều chỉnh công tác.

Một số cán bộ được thăng chức “nhanh như tên lửa” hoặc “ấn nút phóng”, có người đã được thăng cấp lên cấp phó sở sau khi trải qua 8 vị trí trong 10 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học. Tài Kinh cho biết, để có chức vụ này, “không chồng 30 triệu Nhân dân tệ (105 tỷ VND) cho Triệu Chính Vĩnh thì không xong”.

Theo trang Tài Tân, trường hợp của Triệu Chính Vĩnh là “gia tộc tham nhũng”. Cả vợ, con gái, anh trai và họ hàng xa của Vĩnh đều liên quan. Vợ của Vĩnh, bà Tôn Kiến Huy là người đóng vai trò quan trọng trong gia tộc tham nhũng này. Sự nghiệp ban đầu của Vĩnh được hưởng lợi từ sự chăm sóc của bố vợ, vì vậy Tôn Kiến Huy mạnh mẽ hơn chồng. Vĩnh, người mạnh mẽ bên ngoài, nhưng nổi tiếng là sợ vợ.

Tôn Kiến Huy thích đồ trang sức bằng ngọc bích, thường uống trà với một nhóm vợ các chủ mỏ than. Bà này có cá tính mạnh mẽ. Trong giới quan chức Thiểm Tây, bà ta được gọi là “Chị Cả”.

Cô con gái duy nhất của Triệu Chính Vĩnh từng làm việc tại chi nhánh Thiểm Tây của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Công việc của cô ta là lấy tiền hoa hồng cho ngân hàng. Một giám đốc điều hành của chi nhánh tiết lộ, tiền được trả cho ái nữ nhà Triệu Vĩnh Chính dưới dạng tiền lương thực hiện cộng với chi phí tiếp thị, tổng cộng khoảng 20 triệu Nhân dân tệ.

Em trai của Vĩnh là Triệu Chính Phát, cũng đã sử dụng ảnh hưởng của anh tại Thiểm Tây để thực hiện một số dự án. Một doanh nhân ở Thiểm Tây tiết lộ rằng, ông đã tham dự một bữa ăn tối nơi Phát có mặt.

Trong bữa ăn, Phát và Hạ Cửu Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Thiểm Tây và Giám đốc Sở Năng lượng tỉnh đã nói về các dự án kinh doanh mà không hề do dự. Hai người thẳng thừng nói về chuyện ăn chia lợi ích trước mặt người ngoài mà không cần phải giấu giếm.

Ngô Tuyết