{keywords}
Toàn cảnh công trình đập thủy điện Đại Phục Hưng ở Guba, Ethiopia. Ảnh: Reuters

Bế tắc về đập nước trên sông Nile

Ethiopia hôm 19/7 ra thông báo đã hoàn tất việc trữ nước cho hồ chứa tại đập thủy điện Đại Phục hưng (GERD) được xây dựng trên sông Nile Xanh, nhánh chính của sông Nile vốn là nguồn cung cấp 90% nhu cầu nước của Ai Cập.

Dự án GERD là nguồn cơn gây tranh cãi giữa Ethiopia và các nước ở hạ nguồn. Phát biểu trước phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về GERD hôm 8/7, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói rằng đập thủy điện do Ethiopia xây dựng là mối đe dọa hiện hữu, gây nguy cơ đứt gãy nguồn nước đối với Ai Cập. Tunisia cũng cùng tiếng nói với Cairo, khi trình dự thảo nghị quyết ra Hội đồng Bảo an, yêu cầu phải định ra được một thỏa thuận do quốc tế làm trung gian xử lý vấn đề nguồn nước trên sông Nile.

Tuy nhiên, kế hoạch của Ai Cập và Tunisia không nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an, khi cơ quan này khẳng định không muốn tạo ra một nghị quyết có tính tiền lệ về vấn đề liên quan đến nguồn nước. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi hôm 15/7 khẳng định, bất kỳ hành động nào làm giảm nguồn cung nước ngọt đối với Ai Cập đều bị coi là “giới hạn đỏ” và khẳng định, “quân đội Ai Cập sẽ phải ra tay hành động” trước khi người dân nước này lâm vào cảnh thiếu nước ngọt.

Thất vọng với quan điểm trung lập của Nga tại Hội đồng Bảo an, Cairo đang hướng sang Trung Quốc để tìm kiếm hậu thuẫn giúp phá vỡ thế bế tắc đối với GERD.

Chưa bao giờ là một nhân tố ngoại giao nổi bật ở khu vực, nhưng Bắc Kinh lại là bên thiết lập được quan hệ hữu hảo với Ethiopia. Cùng lúc, Trung Quốc cũng đang đổ vốn đầu tư lớn vào Ai Cập trong tổng thể sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trong đó Ai Cập được coi là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc thâm nhập vào lục địa châu Phi.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống al-Sisi cũng hướng đến Ảrập Xêút, vương quốc có quan hệ hợp tác hữu hảo với Ethiopia. Việc Riyadh dần ngả theo quan điểm của Cairo trong tranh chấp nguồn nước ở dự án GERD có thể được cắt nghĩa từ cách tiếp cận của Liên đoàn Ảrập, tổ chức dành sự ủng hộ 100% cho Ai Cập trong vấn đề GERD cũng như an ninh ở Biển Đỏ.

Khủng hoảng nước ngọt, năng lượng từ Iran lan sang Iraq

{keywords}
Người dân ở Khuzestan, Iran đổ ra đường phản đối tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: New York Times

Nước ngọt cũng đang tạo ra căng thẳng ở những khu vực khác. Iran mới đây đã phải cắt internet tại tỉnh Khuzestan, nơi xuất hiện các cuộc biểu tình của người dân phản đối tình trạng khan hiếm nước sạch.

Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do mực nước ngầm ở Khuzestan thấp, cùng với đó là việc quản lý nguồn nước không hợp lý. Khủng hoảng nước không chỉ bó hẹp ở Khuzestan. Phản kháng cũng xuất hiện ở một số khu vực khác gặp vấn đề về nguồn cung nước ngọt, kết hợp với hiệu ứng lan tỏa từ khủng hoảng năng lượng.

Diễn biến tại Iran lan ra khỏi biên giới. Iraq phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp điện, nhiên liệu từ Iran. Nguồn cung nước ngọt cũng là một vấn đề nan giải với Iraq. Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) đã phải kêu gọi người dân sử dụng nước sinh hoạt luân phiên, do suy giảm nguồn nước ngầm vì thời tiết khô hạn, không có mưa.

Bộ trưởng Nguồn nước Iraq Mahdi Rashid al-Hamdani cũng đổ lỗi cho một số nước láng giềng. Theo ông, thiếu hụt nước xuất phát từ việc Iran nắn dòng chảy từ sông Karun đổ ra vùng Vịnh thay vì chảy ra sông Shatt al-Arab vốn là đường ranh giới tự nhiên giữa hai nước. Cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không tuân thủ các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước ký với Iraq. Với Iraq, nguồn lợi nước ngọt chủ yếu đến từ hai con sông Tigris và Euphrates - đều xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nước ngọt là điểm then chốt đối với việc tái cài đặt quan hệ Israel-Jordan

{keywords}
Bơm nước vào hồ thủy lợi ở Ghor al-Haditha, cách thủ đô Amman của Jordan khoảng 80km về phía nam. Ảnh: AP

Tại Israel, chính phủ của tân Thủ tướng Naftali Bennett đặt ưu tiên cho việc cài đặt lại quan hệ với Jordan. Và điểm then chốt nhất trong nghị trình này là vấn đề nguồn nước, có liên quan đến thời chính quyền tiền nhiệm ở Israel. Cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã từng ký hiệp định lịch sử về nguồn nước ở Biển Đỏ-Biển Chết năm 2015 dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Thỏa thuận này hướng đến mục tiêu cung cấp nước ngọt cho các khu vực khô hạn tại Jordan, Israel và một số khu vực thuộc lãnh thổ Palestine, đồng thời ngăn chặn tình trạng Biển Chết đang cạn dần. Trọng tâm của hiệp định là dự án xây dựng đường ống dẫn nước nối liền Biển Đỏ và Biển Chết mang lại lợi ích cho cả hai. Israel cũng sẽ cam kết cung cấp cho Jordan 50 triệu m3 nước thông qua một nhà máy lọc nước biển tại cảng Aqaba của Jordan.

Đàm phán về tuyến đường ống đổ vỡ được cho là một nguyên nhân làm trầm trọng thêm khủng hoảng nước ngọt ở Jordan. Trong chuyến công du tới Amman đầu tháng này, một ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Naftali Bennett là hoàn tất thỏa thuận.

Nhiều nguồn tin ngoại giao tại khu vực cho biết, Israel lên kế hoạch về một danh sách thỏa thuận dự định ký kết với Jordan để phục hồi, thúc đẩy quan hệ song phương cùng nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau. Israel được cho là sẽ sẵn sàng nâng mức nước ngọt cung ứng cho Jordan, nguồn tài nguyên quan trọng giúp duy trì ổn định tại Jordan.

Theo Báo Tin tức

'Quân pháo' trên bàn cờ chính trị Trung Đông

'Quân pháo' trên bàn cờ chính trị Trung Đông

Hamas là tên viết tắt của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo, từ một nhánh của phong trào Anh em Hồi giáo tại Palestine.

Chiều sâu chiến lược quan hệ Iran-Syria

Chiều sâu chiến lược quan hệ Iran-Syria

Sau khi Hafez al-Assad qua đời vào tháng 6/2000 và người con trai trẻ Bashar của ông trở thành Tổng thống, liên minh chính trị giữa Syria và Iran dần trở nên mang tính chiến lược.