{keywords}
{keywords}

Sinh ra trong một gia đình Công giáo không mấy khá giả ở Scranton, bang Pennsylvania năm 1942, ông Biden theo cha mẹ chuyển đến bang Delaware từ năm 10 tuổi và sống phần lớn cuộc đời ở đây.

Theo báo Washington Post, ngay từ nhỏ, ông Joe Biden đã cho thấy sự kiên cường, khi nỗ lực khắc phục tật nói lắp và vượt khó để tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành lịch sử, cũng như khoa học chính trị ở Đại học Delaware năm 1965, rồi lấy bằng tiến sĩ luật tại Đại học Syracuse năm 1968.

Sau khi hành nghề luật sư một thời gian ngắn, ông nhanh chóng theo đuổi sự nghiệp chính trị và được bầu vào Thượng viện năm 1972 khi mới 30 tuổi, trở thành thượng nghị sĩ trẻ tuổi thứ 5 trong lịch sử Mỹ.

Tuy nhiên, khoảng một tháng sau khi đắc cử ghế thượng nghị sĩ đại diện bang Delaware, ông Biden bị mất người vợ đầu tiên - Neilia và con gái mới sinh trong một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc. Hai con trai Hunter và Beau bị thương nặng.

Vượt qua cú sốc, ông Biden tuyên thệ nhậm chức ngay bên giường bệnh của các con trai. Để có thời gian bên cạnh các con, hàng ngày ông đều dậy sớm đi tàu hơn 320km từ Wilmington đến Washington để làm việc. Thói quen này, ông duy trì suốt thời gian ở thượng viện.

Năm 1977, ông tái hôn với Jill Jacobs, một giáo viên dạy tiếng Anh ở trường trung học. Hai ông bà có thêm một cô con gái tên Ashley vào năm 1981.

Ít ai biết ông Biden từng có ý định bán nhà lấy tiền chữa bệnh ung thư não cho con trai đầu - Beau và chính cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngăn cản điều này, thậm chí hứa cho "phó tướng" mượn tiền lo liệu. Khi Beau qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác năm 2015, lúc mới 46 tuổi, ông Biden đã nén đau thương, chứng tỏ là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình.

Khi thông báo quyết định tranh cử tổng thống vào năm 2019, ông Biden đề cập đến những bi kịch gia đình đã trải qua để nhấn mạnh việc ông đồng cảm với những người từng chịu khó khăn, mất mát và chứng minh ông là người có thể chèo lái khi đất nước đối mặt nhiều thách thức.

{keywords}

Kể từ khi trúng cử vào thượng viện năm 1973, sự nghiệp chính trị của ông gặt hái được nhiều thành công. Ông được tái bầu tới 6 lần vào cơ quan lập pháp này và trở thành thượng nghị sĩ có thời gian tại nhiệm lâu nhất ở Delaware.

Ông Biden cũng được đánh giá là một trong những nhà lập pháp hàng đầu về các chính sách đối ngoại, tư pháp hình sự và chống ma túy. Ông từng được bổ nhiệm vào Ủy ban Đối ngoại và giữ chức Chủ tịch Ủy ban Tư pháp thuộc thượng viện.

Trong mắt bạn bè và đồng nghiệp, ông Biden là một người khiêm tốn, điềm tĩnh và chưa bao giờ đầu hàng thất bại. Trước tổng tuyển cử Mỹ 2020, chính khách Dân chủ này từng chạy đua giành ghế lãnh đạo chính phủ tới 2 lần.

{keywords}

Trong lần tranh cử đầu tiên năm 1987, ông Biden có nhiều lợi thế khi đang đương chức Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Song, bê bối đạo văn các bài phát biểu khiến ông hứng nhiều chỉ trích và buộc phải rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng vào năm 1988.

Hai mươi năm sau, ông Biden ra tranh cử tổng thống lần hai, nhưng ông cũng nhanh chóng quyết định dừng bước sau màn thể hiện không mấy ấn tượng trước các đối thủ cùng đảng Dân chủ. Tuy nhiên, điều bất ngờ xảy ra khi Barack Obama, người giành được sự đề cử của đảng cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, thông báo chọn ông liên danh tranh cử.

Khi Obama đánh bại đối thủ Cộng hòa John McCain, trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ vào ngày 20/1/2009, ông Biden cũng tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống. Nhờ những chính sách được lòng cử tri, bộ đôi Obama - Biden chiến thắng thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa vào năm 2012.

Trước khi mãn nhiệm, ngày 12/1/2017, ông Obama đã trao tặng Huân chương tự do cho ông Biden, ca ngợi ông là "vị Phó Tổng thống tốt nhất mà nước Mỹ từng có".

{keywords}

Nhiều nguồn tin nói, ông Biden từng tính nghỉ hưu sau khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Mỹ vào ngày 20/1/2017. Song, hơn 3 năm sau, vào ngày 25/4/2019, ông Biden tuyên bố sẽ ra tranh cử lần nữa với lí do không thể để vị Tổng thống Cộng hòa đương nhiệm tại vị tới 2 nhiệm kỳ và làm thay đổi mãi mãi các giá trị cốt lõi của đất nước.

Sau khi lội ngược dòng ngoạn mục trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020, ngày 18/8/2020, tại đại hội toàn quốc trực tuyến của đảng Dân chủ, ông Biden đã chính thức được trao vinh dự là người đại diện đảng này "đấu chung kết" với đương kim Tổng thống Trump vào tháng 11.

Ông Biden có quan điểm khác biệt hoàn toàn với ông Trump ở nhiều vấn đề chính sách. Các cuộc thăm dò dư luận trước tổng tuyển cử cho thấy, ông Biden luôn dẫn trước đối thủ về tỉ lệ tín nhiệm của cử tri.

Ngày 29/9/2020, ông Biden và Tổng thống Trump có phiên tranh luận trực tiếp đầu tiên. Cả hai ứng viên liên tục cắt lời đối phương và chỉ trích nhau gay gắt, khiến sự kiện trở nên hỗn loạn. Sau khi cuộc tranh luận lần hai bị hủy, hai ứng viên bước vào trận so găng lần cuối vào 22/10/2020. Lần này, hai ứng viên tỏ ra kiềm chế hơn khi trả lời các câu hỏi, ít ngắt lời và to tiếng.

{keywords}

Sau cuộc tranh luận, các hãng báo chí, thông tấn đã có “sự đối chọi” gay gắt khi một số cho rằng ông Trump thắng, còn số khác lại nói ông Biden thắng. Tuy nhiên, nhiều báo, đài Mỹ tin cuộc tranh luận không gây ảnh hưởng nhiều tới cử tri, bởi phần lớn họ đã có quyết định của riêng mình.

Vào ngày bầu cử quốc gia 3/11/2020, hàng triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu. Bất chấp quá trình kiểm phiếu đang diễn ra, rạng sáng hôm sau, đối thủ của ông Biden tổ chức họp báo tự nhận đã chiến thắng.

Giới quan sát cho hay, ban đầu lợi thế nghiêng về đương kim tổng thống do những lá phiếu bầu trực tiếp được kiểm đếm đầu tiên và cử tri Cộng hòa có xu hướng đi bầu trực tiếp nhiều hơn. Càng về sau, khi các bang kiểm đếm phiếu bầu sớm qua thư, tỷ lệ phiếu ủng hộ ông Biden tăng dần.

Và tới sáng 7/11/2020, các báo, đài lớn của Mỹ đồng loạt đưa tin, ông Biden đã thắng cử do thâu tóm thành công nhiều bang chiến địa và giành được hơn 270 phiếu đại cử tri, mức tối thiểu để trở thành lãnh đạo tiếp theo của Nhà Trắng. Một số lãnh đạo thế giới bắt đầu gửi lời chúc mừng đến ông Biden.

{keywords}

Tuy nhiên, như nhận xét của báo New York Post, con đường tới Nhà Trắng của ông Biden trắc trở và chông gai hơn dự đoán.

Tổng thống Trump kiên quyết không nhận thua. Với cáo buộc có bất thường và gian lận bầu cử tràn lan dù không đưa ra được bằng chứng thuyết phục, chiến dịch tranh cử của ông Trump và các đồng minh đã xúc tiến hơn 50 vụ kiện đòi kiểm phiếu lại hoặc vô hiệu hóa kết quả bỏ phiếu ở các bang chiến địa.

Dù lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) ngày 23/11/2020 đã chính thức công nhận chiến thắng của ông Biden, và hầu hết các vụ kiện trên đều bị bác bỏ hoặc không tạo ra bất kỳ thay đổi lớn nào, kể cả vụ bang Texas kiện đòi Tòa án tối cao hủy kết quả bầu cử ở 4 bang chiến địa, ông Trump vẫn không nhận thua.

Ông Trump giữ nguyên thái độ thách thức, thề sẽ "chiến đấu tới cùng" kể cả sau khi Cử tri đoàn toàn quốc nhóm họp ngày 14/12/2020, chứng thực chiến thắng của ông Biden với 306 phiếu đại cử tri. Hôm 5/1/2021, hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Trump đã kéo về thủ đô Washington để tuần hành phản đối kết quả bầu cử.

Chiều 6/1/2021, khi lưỡng viện đang nhóm họp, những người biểu tình quá khích đã đột kích trụ sở Quốc hội trên Đồi Capitol, xô xát với lực lượng an ninh, đập phá một số đồ đạc bên trong tòa nhà, buộc các nhà lập pháp phải dừng họp đi sơ tán. Vụ bạo loạn gây rúng động dư luận thế giới, khiến ít nhất 4 người biểu tình thiệt mạng và hàng chục người khác bị bắt giữ.

Quốc hội Mỹ khôi phục họp ngay tối 6/1, chính thức xác nhận ông Biden thắng cử và là tổng thống thứ 46 của Mỹ. Trước sức ép ngày càng tăng của dư luận, ông Trump rốt cuộc nhận thua và hứa sẽ chuyển giao quyền lực trong hòa bình nhưng khẳng định sẽ không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

{keywords}

Vượt qua mọi khó khăn thử thách, ông Biden cuối cùng đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Vị chính khách 78 tuổi này tạo lập một kỷ lục mới, Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ. Ông cho biết, 3 ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới là đẩy lùi dịch Covid-19, phân phối vắc-xin công bằng và khôi phục nền kinh tế.

Bài: Tuấn Anh - Đồ họa: Quốc Dũng