Trong tình hình đó, Hồng quân Liên Xô bắt đầu cuộc phản công, hất quân Đức ra xa Thủ đô Moscow.

{keywords}
Hồng quân Liên Xô diễu hành trên Quảng trường Đỏ năm 1941. Ảnh: Word Press

Đến ngày 20/12/1941, các binh đoàn xe tăng và bộ binh dã chiến Đức đã bị đẩy lùi về phía Tây từ 25 - 60 km, riêng Tập đoàn quân (TĐQ) xe tăng 2 phải rút ra xa đến 100 km. Nhận thấy cánh quân Đức ở hướng này là Cụm TĐQ Trung tâm đã bị thiệt hại nặng, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân chủ trương tiếp tục tấn công, không cho quân Đức tổ chức phòng thủ vững chắc trên tuyến mặt trận mới lui về.

Tại cuộc họp của Đại bản doanh ngày 5/1/1942, một số ý kiến cho rằng chỉ nên tiếp tục tấn công ở khu vục phía tây Moscow, chủ yếu nhằm giải vây cho Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 Hồng quân đang bị vây hãm tại đây.

Việc mở các cuộc phản công trên các hướng khác chưa thể thực hiện vì lực lượng dự bị của Hồng quân về cơ bản đã được sử dụng hết, các phương tiện vật chất cũng chưa đủ để tấn công đồng loạt trên tất cả các mặt trận. Tuy nhiên, cuối cùng, Đại bản doanh vẫn quyết định tiến hành đợt phản công thứ hai tại khu vực Moscow và vùng phụ cận, với tư cách là một phần trong kế hoạch tổng tấn công của Hồng quân trên cả ba hướng chủ yếu của mặt trận Xô-Đức.

Thực hiện mệnh lệnh của Đại bản doanh, ngày 7/1/1942, Hồng quân tiếp tục tấn công. Sau một tháng giao chiến, các TĐQ xung kích 3, 4 ở cánh trái Phương diện quân (PDQ) Miền Tây và TĐQ 22 ở cánh phải của PDQ quân Kalinin đã tiến đến các cửa ngõ Velikiye Luki, Demidov và Velizh, nhưng phải dừng lại vì không còn lực lượng dự bị để tiếp tục tiến công. Các TĐQ 29 và 39 ở cánh trái PDQ Kalinin không chiếm được Rzhev, làm cho TĐQ 33 bị rơi vào vòng vây tại Vyazma (cùng với Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 vốn bị vây từ trước).

Đúng vào lúc này, Đại bản doanh lại ra lệnh cho PDQ Miền Tây trả TĐQ xung kích 1 về lực lượng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao. Quyết định này đã làm cho cánh phải của PDQ Miền Tây yếu hẳn đi, không còn đủ sức để đột phá đến tuyến Rzhev-Vyazma. Đến ngày 10/2, Cụm TĐQ Trung tâm (Đức) được bổ sung 15 sư đoàn rút từ Pháp và Nam Tư sang, bố trí trận địa phòng ngự vững chắc tại khu vực Rzhev-Vyazma. Các đơn vị Hồng quân không còn lực lượng để phát triển tấn công và phải dừng lại trước tuyến phòng ngự sông Lama của quân Đức.

Đến lúc này đã hình thành nên chỗ lồi Rzhev – Vyazma, một vòng cung dài 500 km và ăn sâu vào tuyến phòng thủ của Hồng quân Liên Xô mà quân Đức gọi là “Cổng vào Moscow”, nơi quân Đứcmuốn lấy làm bàn đạp để một lần nữa có thể tấn công đánh chiếm Moscow. Do tính chất quan trọng của chỗ lồi, quân Đức đã tập trung đến 2/3 toàn bộ lực lượng của cụm TĐQ Trung tâm để giữ (với 1.659.000 binh sĩ, khoảng 13.000 pháo và súng cối, 1.100 xe tăng, 850 máy bay). 

Trong khi đó, với quyết tâm giành lại chỗ lồi, Hồng quân cũng huy động đến 1.245.000 người, 571 xe tăng, 8.700 pháo và súng cối, 500 máy bay. Những tướng lĩnh nổi tiếng nhất của cả hai bên đã tham gia chỉ huy. Về phía Hồng quân là G. K. Zhukov, I . S. Koniev, V. D. Sokolovsky, M. A. Purkayev, A. I. Yeryomenko ... Về phía Đức là Fedor von Bock, Günther von Kluge, Heinz Guderian, Hermann Hoth, Walter Model, Erich Höpner.

Cả Hồng quân và phát xítt Đức đã tiến hành đến 10 chiến dịch. Suốt 14 tháng trời, các trận đánh tại đây diễn ra khốc liệt và hầu hết đều bất phân thắng bại với thương vong rất lớn của cả hai bên. Đến ngày 31 tháng 3 năm 1943, Hồng quân mới thu hồi được vòng cung Rzhev-Vyazma, loại trừ hoàn toàn nguy cơ đe dọa Thủ đô Moscow.

Trận Rzhev - Vyazma là một trong những trận đánh đẫm máu nhất, được gọi là “Cối xay thịt” của chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong trận đánh này, Hồng quân có   392.554 người chết và 768.233 người bị thương; phía quân Đức 452.000 người chết, mất tích và 469.747 người bị thương. Thiệt hại về dân thường cũng hết sức ghê gớm. Khi Hồng quân tiến vào Rzhev, trong thành phố bị hủy hoại hoàn toàn này chỉ còn 362 người trong tổng số 56.000 dân.

Ngày nay, có ý kiến cho rằng sự có mặt của một lực lượng lớn quân Đức ở ngay gần Thủ đô Moscow là nỗi ám ảnh đã thúc đẩy Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Hồng quân quyết tâm giành lại cho được chỗ lồi Rzhev – Vyazma. Đặt ra mục tiêu phải giải phóng Rzhev - Vyazma trong thời gian ngắn, trong bối cảnh lực lượng, phương tiện vật chất chưa được đảm bảo đầy đủ đã dẫn đến hậu quả là trận đánh phải kéo dài với những hi sinh, mất mát to lớn.

Tuy nhiên, sự hi sinh của hàng chục vạn chiến sĩ Hồng quân đã làm tiêu tan âm mưu quân Đức tái sử dụng chỗ lồi Rzhev - Vyazma làm bàn đạp tấn công Moscow một lần nữa.

Thu hồi hành lang Rzhev-Vyazma, Hồng quân Liên Xô còn tạo bàn đạp để đánh chiếm Smolensk, Gomel, mở đường tiến ra Belorussia, đẩy chiến tranh ra khỏi khu vực trung tâm mặt trận Xô-Đức. Hồng quân Liên Xô cũng đã giam chân tại đây ba TĐQ mạnh của Đức Quốc xã, không cho quân Đức rút các TĐQ này đến hướng tây nam, giúp cho Hồng quân giành thắng lợi ở Stalingrad.

Nguyên Phong

Vì sao Hồng quân Liên Xô thất bại trong giai đoạn đầu Chiến tranh Vệ quốc?

Vì sao Hồng quân Liên Xô thất bại trong giai đoạn đầu Chiến tranh Vệ quốc?

Ngày 22/6/1941, quân đội Đức phát xít bất ngờ tấn công Liên Xô. Trong vòng một tuần lễ, Phương diện quân (PDQ) Miền Tây, lực lượng chủ yếu phòng thủ tuyến biên giới phía tây Liên Xô bị quân Đức bao vây và tiêu diệt gần hết.

Chuyện về người lính Hồng quân 6 tuổi trong Thế chiến hai

Chuyện về người lính Hồng quân 6 tuổi trong Thế chiến hai

Mới 6 tuổi, Seryozha Aleshkov đã được trao tặng huy chương Chiến công, được một vị tướng tặng thưởng khẩu súng lục Browning làm chiến tích và thậm chí còn được “thăng hàm” lên trung úy.