UAE chính thức cấp phép lưu hành cho vắc xin ngừa Covid-19 của Sinopharm vào ngày 9/12/2020. Theo BBC, vào thời điểm đó, nhà chức trách UAE tuyên bố, quyết định dựa trên các dữ liệu của hãng dược Trung Quốc, vốn cho thấy hiệu quả của vắc xin Sinopharm là 86% trong thử nghiệm giai đoạn cuối, bao gồm cả thử nghiệm đối với 31.000 người ở UAE.

{keywords}
Nhân viên y tế đang tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân ở Abu Dhabi, UAE. Ảnh: Health Careit News

Sản phẩm của Sinopharm là loại vắc xin tiêm 2 liều, được phát triển theo công nghệ bất hoạt virus truyền thống. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế UAE cho biết, 99% người được chủng ngừa bằng vắc xin này đã phát triển các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 và sản phẩm cũng giúp ngăn ngừa các ca bệnh vừa và nặng ở những người đã tiêm phòng.

Cả Bộ Y tế UAE và Sinopharm đều không công bố dữ liệu chi tiết về cuộc thử nghiệm đối 31.000 cá nhân ở quốc gia Ảrập. Song, cơ quan quản lý y tế của UAE nhấn mạnh, "quá trình phân tích không cho thấy bất kỳ lo ngại nghiêm trọng nào về tính an toàn của vắc xin".

Hãng thông tấn quốc gia Wam của UAE đưa tin, những tình nguyện viên mang 125 quốc tịch khác nhau đã tham gia cuộc thử nghiệm. Quá trình bắt đầu từ tháng 7/2020 và vắc xin Sinopharm đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho các nhân viên tuyến đầu chống dịch của UAE vào tháng 9 cùng năm.

Cũng theo Wam, các quan chức cấp cao, bao gồm cả Phó Tổng thống UAE kiêm nhà lãnh đạo Dubai Mohammed bin Rashid al-Maktoum đã được tiêm vắc xin Sinopharm hồi tháng 11. UAE thông báo chính thức cấp phép lưu hành loại vắc xin này của Trung Quốc, chỉ một ngày sau khi Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới bắt đầu triển khai tiêm chủng cho dân bằng vắc xin Pfizer/BioNTech.

Cơn khát vắc xin

Ngoài việc là một trong những khu vực thử nghiệm vắc xin lớn nhất của Sinopharm, UAE còn là một trong những nước đầu tiên cấp phép lưu hành loại vắc xin này trước cả khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) làm điều đó vào tháng 5 năm nay.

{keywords}
Mọi người chờ tới lượt tại một trung tâm tiêm chủng ở Seha, Abu Dhabi, UAE. Ảnh: The National

Cho đến hiện tại, ngoài UAE, hơn 100 quốc gia khác đã đặt hàng và dùng vắc xin Sinopharm cho chiến dịch chủng ngừa Covid-19 đại trà. Báo New York Times dẫn lời Zhengming Chen, một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Oxford (Anh) nhận định, thực tế này bắt nguồn từ việc Mỹ và các quốc gia châu Âu đã đặt mua trước hàng tỷ liều vắc xin do các công ty dược phẩm phương Tây phát triển cũng như thâu tóm phần lớn nguồn cung còn hạn chế.

Trong khi đó, Bắc Kinh tích cực thúc đẩy các hoạt động "ngoại giao vắc xin", sẵn sàng tài trợ và xuất khẩu sớm lượng lớn chế phẩm của họ cho thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển.

Ngoài ra, vắc xin Sinopharm không đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh như các vắc xin dùng công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna, khiến việc vận chuyển và phân phối nó trở nên dễ dàng hơn.

Ben Cowling, chuyên gia dịch tễ học đến từ Đại học Hong Kong cho biết thêm, UAE cần khoảng 20 triệu liều vắc xin để chủng ngừa cho toàn bộ dân số và việc có được đủ lượng vắc xin này trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm không phải chuyện dễ dàng.

Nhằm sớm đạt mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, Chính phủ UAE đã có các bước đi táo bạo hướng tới việc đa dạng hóa nguồn cung. Bên cạnh vắc xin của Sinopharm, nước này cũng cho phép thử nghiệm và phê duyệt vắc xin Sputnik của Nga trước cả WHO và trong khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) lẫn Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chưa phê duyệt vắc xin này.

UAE cũng đang là một trong số ít các quốc gia đã thiết lập các dây chuyền sản xuất vắc xin Sinopharm tại Trung Đông. Phiên bản vắc xin Sinopharm do nước này sản xuất có tên Hayat-Vax. Dự kiến trong năm nay, nhà chức trách địa phương sẽ cho nâng năng lực sản xuất Hayat-Vax lên mức 200 triệu liều/năm.

Chiến dịch tiêm chủng thần tốc

Theo Cơ quan Kiểm soát các tình huống khẩn cấp và thảm họa quốc gia UAE, nước này đang sử dụng 3 loại vắc xin của Pfizer/BioNTech, Sinopharm và Sputnik cho chiến dịch tiêm chủng đại trà cho dân.

UAE hiện dẫn đầu thế giới về tỷ lệ chủng ngừa Covid-19 cho dân. Tính đến ngày 4/8, đất nước giàu tài nguyên dầu mỏ này đã tiêm được gần 16,9 triệu liều vắc xin, trong đó 79,3% người dân đã được chủng ngừa liều đầu tiên và 70,96% dân số đã được tiêm đủ cả 2 liều.

{keywords}
Tổng số ca mắc (biểu đồ trên) và tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở UAE tính đến ngày 2/8. Nguồn: JHU CSSE COVID-19 Data

Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, UAE ghi nhận tổng cộng 685.462 ca mắc, trong đó 1.960 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại quốc gia Ảrập này đang có xu hướng tăng trở lại, một phần do biến thể Delta, với trung bình 1.534 ca/ngày, bằng 41% so với mức đỉnh điểm ghi nhận ngày 30/1.

Sau khi áp phong tỏa vô cùng nghiêm ngặt trong năm 2020 để ngăn chặn đà lây lan của virus, nền kinh tế lớn nhất Vùng Vịnh hiện đã tái mở hoàn toàn. Theo hãng thông tấn CNBC, hồi tháng 7/2020, thủ phủ thương mại Dubai của UAE đã trở thành một trong những nơi đầu tiên trên thế giới khôi phục hoạt động du lịch, mở cửa đón du khách quốc tế và cho phép tổ chức các hội nghị trực tiếp.

Ngày 17/5 vừa qua, Dubai đã cho dỡ bỏ các quy định giới hạn công suất phục vụ của các khách sạn. Các cuộc tụ họp công cộng, chẳng hạn như buổi hòa nhạc hay sự kiện thể thao cũng có thể diễn ra với 70% lượng ghế phục vụ dành cho những người đã tiêm chủng. Song, nhà chức trách vẫn yêu cầu mọi người đeo khẩu trang và duy trì giãn cách nơi công cộng.

Chính phủ UAE hồi cuối tháng 4 từng tuyên bố đang cân nhắc áp dụng các "biện pháp nghiêm ngặt" nhằm hạn chế việc đi lại của những người chưa tiêm chủng. Đến tháng 6, nước này quyết định tiêm bổ sung liều vắc xin thứ 3 bằng sản phẩm Pfizer/BioNTech cho những người đã tiêm đủ 2 liều Sinopharm để tăng cường miễn dịch. Khoảng cách giữa liều bổ sung với 2 liều trước đó là 6 - 9 tháng, tùy theo từng địa phương.

Bộ Y tế UAE ngày 2/8 cũng thông báo sẽ xúc tiến tiêm vắc xin Sinopharm cho trẻ từ 3 - 17 tuổi. Quyết định được đưa ra sau một cuộc thử nghiệm lâm sàng và đánh giá sâu rộng với 9.000 trẻ từ tháng 6. Trước đó, nhà chức trách đã chủng ngừa cho trẻ từ 12 - 15 tuổi bằng vắc xin Pfizer/BioNTech.

Tuấn Anh

>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất

 

Anh học cách sống chung với Covid-19, UAE có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới

Anh học cách sống chung với Covid-19, UAE có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 5/7 thông báo sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các quy định bắt buộc về việc đeo khẩu trang cũng như giãn cách xã hội vào cuối tháng này.

Philippines phong tỏa 24 triệu dân, Trung Quốc-UAE hợp tác sản xuất vắc-xin Covid-19

Philippines phong tỏa 24 triệu dân, Trung Quốc-UAE hợp tác sản xuất vắc-xin Covid-19

Chính phủ Philippines phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận, sau khi số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này có chiều hướng tăng mạnh.

 

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).