“Đạo quân” chính là cụm tập đoàn quân

Trước năm 1937, biên chế đơn vị cao nhất của lục quân Nhật Bản là cấp sư đoàn. Tuy nhiên, các sư đoàn đóng ở nước ngoài đều có quy mô cấp quân đoàn và được gọi là “quân”.

Sau khi chiến tranh Trung-Nhật bùng phát, các đơn vị cấp quân đoàn chính thức được thành lập, đồng thời cũng hình thành biên chế đơn vị mới là cấp phương diện quân, song quân số chỉ vào khoảng 70.000 đến 100.000 quân, tức chỉ tương đương với cấp tập đoàn quân tiêu chuẩn của châu Âu.

Năm 1939, do yêu cầu tác chiến viễn chinh, biên chế đơn vị trên cấp phương diện quân là cấp “tổng quân” (đạo quân) được thành lập. Một tổng quân thường phụ trách một địa bàn mặt trận, cơ cấu gồm cả bộ binh, cơ giới, thiết giáp, pháo binh, hàng không, hải quân, hiến binh...; biên chế thường từ 750.000 đến 1 triệu binh sĩ, tương đương với cụm tập đoàn quân Đức quốc xã.

{keywords}
Ảnh: Wikipedia

Tổng tư lệnh tổng quân mang hàm đại tướng, được trao quyền rất lớn cả về quân sự lẫn chính trị, giữ vai trò như một toàn quyền tại các vùng chiếm đóng.

Đạo quân Quan Đông là một trong 6 tổng quân của lục quân Nhật Bản, vốn là quân đoàn Quan Đông thành lập năm 1919 để bảo vệ Quan Đông là tô giới của Nhật tại Trung Quốc.

Tư lệnh đầu tiên là Tachibana Koichiro, sau được thăng đại tướng. Tư lệnh thứ 9 của quân đoàn này là Honjo Shigeru, chính là người năm 1931 đã chỉ huy chiến dịch Phụng Thiên xâm lược Mãn Châu. Tư lệnh thứ 13 là Ueda Kenkichi, năm 1939 đã chỉ huy quân đoàn giao chiến với Hồng quân Liên Xô tại Khalkhin Gol và bị thất trận.

Ngày 1 tháng 10 năm 1942, quân đoàn Quan Đông được nâng cấp thành tổng quân Quan Đông, tổng tư lệnh là đại tướng Umezu Yoshijiro (là chỉ huy thứ 14), từ năm 1942 kiêm tổng tư lệnh lục quân.

Đạo quân Quan Đông được xem là đạo quân tinh nhuệ nhất của lục quân Nhật, gồm những binh sĩ ưu tú được tuyển chọn từ khắp các đơn vị lục quân. Địa bàn phụ trách của đạo quân này là khu vực Mãn Châu và Bắc Trung Quốc, tổng hành dinh đóng tại Trường Xuân.

Biên chế ban đầu gồm 3 tập đoàn quân (1, 3, 17), và 3 quân đoàn độc lập với hơn 31 sư đoàn tác chiến, 11 lữ đoàn độc lập (trong đó có 2 lữ đoàn xe tăng), binh lực lúc cao điểm lên đến 1,3 triệu quân. Mặc dù có tên thường gọi là “Đức binh đoàn”, song đạo quân này lại nổi tiếng với những vụ buôn bán thuốc phiện và những tội ác man rợ với nhân dân vùng chiếm đóng.

Ngày tàn của đạo quân Quan Đông

Ngày 9/8/1945, quân đội Liên Xô bắt đầu chiến dịch Mãn Châu với mục tiêu trực tiếp là đập tan đạo quân Quan Đông của Nhật Bản.

Vào thời gian này, đạo quân Quan Đông gồm 3 tập đoàn quân, 2 quân đoàn độc lập, 2 quân đoàn không quân, do đại tướng Yamada Otozo làm tổng tư lệnh và trung tướng Hata Hikosaburo làm tham mưu trưởng. Cùng với các đơn vị quân đội  bù nhìn Mãn Châu và Nội Mông, tính chung, dưới quyền viên tổng tư lệnh cuối cùng của đạo quân khét tiếng này có 1.217.000 người, 1.155 xe tăng, 5.360 pháo, 1.800 máy bay, 25 tàu chiến…

Để chống trả các đơn vị Xô-viết, quân Nhật chủ trương trì hoãn ở biên giới, phòng ngự linh hoạt ở nội địa, tránh đụng độ lớn mà chỉ tìm cách tiêu hao, cầm giữ đối phương và rút dần, qua đó, làm suy kiệt các mũi tấn công của đối phương rồi tạo cơ hội để phản công.

Tuy nhiên, trước việc quân đội Liên Xô tấn công đồng loạt trên toàn mặt trận, sử dụng tốc độ vận động để cô lập, bao vây, chẻ nhỏ và gây tê liệt toàn cục đối phương, chỉ sau 10 ngày, tuyến phòng thủ của đạo quân Nhật đã bị chọc thủng, Hồng quân tiến sâu vào đông bắc Trung Quốc 400 - 800km từ hướng tây, 200 - 300km từ hướng đông bắc; tiếp đó, tiến vào bình nguyên Mãn Châu, chia cắt quân Nhật thành nhiều cụm rồi bao vây tiêu diệt.

Cùng thời gian này, các đơn vị đổ bộ đường không Liên Xô nhảy dù đánh chiếm những vị trí then chốt nằm sâu trong hậu phương địch.

Sáng 19/8/1945, tại đại bản doanh ở Trường Xuân, tổng tư lệnh đạo quân Quan Đông Yamada tự tay tháo kiếm trao cho đại diện Hồng quân, chấp nhận là tù binh. Tối cùng ngày, Yamada và “Thủ tướng” Mãn Châu kí biên bản “đầu hàng toàn bộ và giao nộp vũ khí, phương tiện chiến tranh, kho tàng quân dụng”. Lá cờ Nhật bị hạ xuống và lá cờ Liên Xô tung bay trên nóc toà nhà bộ chỉ huy đạo quân Quan Đông.

                                              >>> Đọc tin thế giới 24h trên VietNamNet

Nguyên Phong

Kế hoạch Y và cái kết của viên đô đốc Nhật

Kế hoạch Y và cái kết của viên đô đốc Nhật

Điều ít người biết là, dù coi Mỹ là kẻ ngăn chặn các tham vọng bành trướng của Tokyo, song Tư lệnh Hạm đội hải quân Nhật Yamamoto Isoroku lại phản đối Hiệp ước đồng minh Đức - Ý - Nhật và việc Nhật tuyên chiến với Mỹ.

'Kiến trúc sư trưởng' của trận Trân Châu Cảng

'Kiến trúc sư trưởng' của trận Trân Châu Cảng

Đó là đô đốc Yamamoto Isoroku (1884-1943), người được xem là một trong 2 viên tướng xuất sắc nhất trong lịch sử Nhật Bản thế kỷ 20.