Trung Quốc chật vật chống vấn nạn thịt lợn bẩn

Trong vài thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã phải chứng kiến nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng, liên quan đến nhiều mặt hàng khác nhau từ các nguyên liệu tươi sống đến thịt đã qua chế biến, đồ ăn sẵn và cả sữa bột dành cho trẻ em. Đáng báo động là trong một số vụ việc này, sức khỏe của người tiêu dùng, kể cả trẻ em, bị ảnh hưởng.

{keywords}
Ảnh: AP

Tân Hoa Xã đưa tin, cuối năm 2011, Trung Quốc đã kết án 113 người, trong đó có 77 nhân viên chính quyền, vì có liên quan tới bê bối “thịt lợn bẩn”. Theo phán quyết của tòa, Liu Xiang, nhân vật chính trong bê bối “thịt bẩn”, bị kết tội làm nguy hại tới sự an toàn của cộng đồng và phải lĩnh án tử hình.

Cáo trạng cho hay, Liu sở hữu một cơ sở bí mật tại thành phố Xiang thuộc tỉnh Hà Nam chuyên sản xuất clenbuterol, loại chất bột có khả năng đốt cháy chất béo. Nông dân Trung Quốc thường trộn lẫn bột này trong thức ăn cho lợn, với mục đích khi xuất chuồng, thịt lợn sẽ gần như không có mỡ, nhờ đó sẽ bán được giá hơn. Tuy nhiên, clenbuterol là loại chất hóa học rất độc hại cho sức khỏe con người.

Chỉ trong một tháng, Liu và các đồng phạm đã bán hơn 2.700kg hóa chất độc hại cho các đại lý thuộc 8 tỉnh và thu về tới 6,4 triệu Nhân dân tệ (hơn 22 tỷ đồng). Hắn đã dùng tiền để mua chuộc nhiều nhân viên chính phủ, bao gồm cả các thanh tra thú y và quan chức an toàn thực phẩm. Những người này phải nhận án tù nghiêm khắc vì tội danh lạm dụng chức quyền và lơ là trách nhiệm.

Tháng 5/2013, công an tại huyện Nam Tĩnh, thành phố Chương Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã bắt giữ một phụ nữ 44 tuổi họ Lin cùng một người đàn ông 33 tuổi họ Wu sau khi phát hiện một đường dây chuyên chế biến lợn chết phải tiêu hủy. Các nghi phạm khai nhận, lợi dụng việc được chính quyền địa phương thuê để tiêu hủy những con lợn bị chết vì bệnh tai xanh và một căn bệnh khác do virus gây ra, chỉ trong vòng 3 tháng, chúng đã tuồn ra thị trường các tỉnh lân cận khoảng 40 tấn lợn chết, thu lời hơn 3 triệu NDT (trên 10,4 tỷ đồng).

Bê bối bị phanh phui chỉ một tuần sau khi công an Trung Quốc bắt giữ khoảng 900 người trong một đợt truy quét kéo dài 3 tháng, nhằm vào những kẻ kinh doanh "thịt bẩn”. Trong đó có 63 đối tượng bị nghi bán thịt chuột, thịt cáo và chồn dưới mác thịt cừu để trục lợi.

Gần đây nhất, Trung Quốc lại chứng kiến bê bối tại trường trung học số 7 ở Thành Đô sau khi các bậc phụ huynh phát hiện bếp của trường chứa đầy thực phẩm thối rữa, nấm mốc. Theo báo Shanghaiist, tuần trước, các phụ huynh bắt đầu nghi ngờ điều bất thường khi con em họ liên tục khó thở, đau bụng và tiêu chảy. Một cuộc kiểm tra bất ngờ tại bếp ăn của trường hé lộ sự thật kinh hoàng.

{keywords}
Ảnh: Shanghaiist

Ngay sau đó, những hình ảnh ghê rợn về thực phẩm bẩn đã được đăng tải trên mạng và châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối.

Hiệu trưởng nhà trường đã phải công khai xin lỗi các phụ huynh và học sinh. Trong khi đó, chính quyền địa phương đã mở một cuộc điều tra và cam kết sẽ xử phạt nặng những người có trách nhiệm quản lý bếp ăn.

Xuất khẩu của Brazil điêu đứng vì thịt bẩn

Bê bối thịt bẩn tại Brazil bị phát giác lần đầu tiên vào ngày 17/3/2017, khi cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt, bao gồm cả thịt lợn, không đạt chất lượng tiêu thụ trên thị trường cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm để khiến các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm.

{keywords}
Ảnh: EPA

Nhà chức trách Brazil sau đó đã mở cuộc điều tra trên diện rộng nhằm phanh phui các hoạt động phi pháp tại những cơ sở đóng gói thịt trên khắp cả nước. Hàng chục nhà sản xuất, bao gồm cả 2 công ty chế biến thực phẩm thuộc hàng lớn nhất thế giới của Brazil là JBS và và BRF bị phát hiện có hành vi "lót tay" cho các nhân viên kiểm dịch để thay đổi hạn dùng sản phẩm, tiêm nước vào thịt và các hành vi không đảm bảo vệ sinh khác trong quá trình sản xuất.

Ít nhất 63 cá nhân đã bị buộc tội dính líu tới một đường dây trên. Bê bối cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành chế biến và xuất khẩu thịt của Brazil đúng lúc giới chức nước này đang nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Vào thời điểm đó, hơn 25 quốc gia đã tạm ngưng nhập khẩu thịt từ Brazil, ước tính làm sụt giảm khoảng 1,5 tỷ USD doanh thu hàng năm trên thị trường xuất khẩu của nước này.

Thông tin sốc về thịt bẩn ở Mỹ

Năm 2018, Cục Điều tra báo chí của Anh đã cho công bố các tài liệu được giữ kín của Chính phủ Mỹ, trong đó hé lộ tình trạng kém vệ sinh đáng kinh ngạc trong các trang trại chăn nuôi lợn và gà của Mỹ, kể cả những cơ sở hàng đầu của nước này.

{keywords}
 

Trong tài liệu chưa từng công khai trước đó, nhà chức trách Mỹ đề cập đến một số vụ việc đáng báo động ở nước này, bao gồm cả tình trạng xác lợn sau khi giết mổ bị vứt thành đống dưới sàn nhà máy, lẫn với máu và chất thải hay trường hợp thịt lợn chuẩn bị đưa đi tiêu thụ bị phát hiện dính phân hoặc có dấu hiệu ôi thiu. Song, các nhà quản lý Mỹ khẳng định, mọi trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nói trên đều được xử lý kịp thời và không gây ra bất kỳ đe dọa nào đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội Mỹ đánh giá sự việc "rất đáng lo ngại" và yêu cầu nhà chức trách phải mạnh tay lấp lỗ hổng pháp lý nhằm ngăn chặn việc các loại thịt bẩn, kể cả thịt lợn mang mầm bệnh, lọt vào chuỗi cung ứng thức ăn cho mọi người. Truyền thông và nhiều chuyên gia Anh cũng bày tỏ quan ngại rằng "thịt bẩn" có thể tràn vào nước này theo một thỏa thuận thương mại ký với Mỹ sau khi đảo quốc sương mù chính thức rời Liên minh châu Âu (EU).

Tuấn Anh