{keywords}
Người trên 70 tuổi ở Nhật vẫn đi làm. Ảnh: Japan Times

Theo Guardian, những người lớn tuổi đi tìm việc cho hay, dù họ có nhiều kinh nghiệm cũng như hiểu biết từ các công việc trước đó thì đó cũng có thể trở thành yếu tố bất lợi với họ. Người sử dụng lao động thường gán kinh nghiệm với thiếu linh hoạt, sợ công nghệ mới và kỳ vọng mức lương ngoài thực tế. 

Vì thế, ở Nhật, chính phủ đã đầu tư mạnh vào các trung tâm nhân sự bạc, nơi chuyên hỗ trợ và cố vấn cho những người tìm việc trên 60 tuổi. Các trung tâm sẽ giữ vai trò môi giới, phát triển hồ sơ kỹ năng và kinh nghiệm của khách hàng rồi 'ghép' nó với những doanh nghiệp đang cần người.

Các trung tâm này vừa giúp doanh nghiệp tìm được nhân viên có kiến thức lẫn kinh nghiệm, giúp người tìm việc có được việc làm mong muốn và giúp chính quyền có thêm tiền thuế.

Ở tuổi 75, sau một thời gian không làm gì, bà Mikkiko Kuzuno đã nộp đơn xin việc tại một nhà máy ở gần Tokyo. Bà kiên quyết phải đích thân tới nộp đơn.

“Tôi đề nghị họ gặp tôi. Tôi muốn cho họ thấy mình vẫn còn khoẻ mạnh trong khi bằng tuổi tôi, nhiều người đã rất yếu”.

Bà Kuzuno, hiện 78 tuổi, đã làm việc được 3 năm trong một nhà máy nhỏ ở Warabi, tỉnh Saitama. Công việc của bà tại đây là giúp giặt là và đóng gói khăn hấp để cung cấp cho các nhà hàng.

Công việc đòi hỏi bà phải đứng suốt 3h của ca làm việc, song bà Kuzuno vẫn không nghĩ tới chuyện về hưu, một phần vì lý do tài chính, một phần nữa là bà ghét phải quanh quẩn trong nhà.

Ông Takayoshi Kimura, 73 tuổi, hiện là một trong những nhân viên kinh doanh hàng đầu tại một trung tâm mua sắm đông người ở Tokyo. Năm 58 tuổi, ông đã dừng hoạt động kinh doanh của mình ở nông thôn và lên thủ đô tìm việc. Người đàn ông này cho hay, công việc hiện giờ rất tốt trong khi ở quê nhà, bạn bè của ông có may mắn cũng chỉ được thuê làm bảo vệ.

Những người trong độ tuổi 70 và cao hơn nữa vẫn làm việc, đó có thể là bình thường mới ở Nhật và là khía cạnh mới của một quốc gia nổi danh là 'tham công tiếc việc.'

Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đang tìm cách giữ những người như bà Kuzuno làm việc lâu hơn để họ có thể đóng góp thêm thuế cho nhà nước và giảm nhẹ gánh nặng chi tiêu của chính phủ khi Nhật đang phải đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng.

Dân số già đi khiến chi tiêu an sinh xã hội của Nhật tăng, chiếm 1/3 chi tiêu của chính phủ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, khi mà chi tiêu hầu hết dựa vào đi vay.

Vì thế, chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo đã đưa ra các điều luật khuyến khích các công ty huỷ bỏ tuổi hưu, áp dụng các biện pháp khác để giữ lao động làm việc tiếp qua tuổi 70. Chính phủ Nhật cũng cân nhắc giải pháp cho người lao động được trì hoãn việc nhận lương hưu tới năm 75 tuổi.

“Chúng ta cần thay đổi cấu trúc xã hội kinh tế để phù hợp với mô hình cuộc sống 100 năm”, ông Shinjiro Koizumi, 38 tuổi, nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do nước này nói.

Hoài Linh

Học cách Nhật đương đầu với khủng hoảng dân số già

Học cách Nhật đương đầu với khủng hoảng dân số già

Dân số Nhật đang giảm nhanh hơn bao giờ hết. Bị đè nặng bởi tình trạng sinh thấp, ngày càng nhiều người cao tuổi, Nhật đang thiếu những người trẻ tuổi có thể làm các công việc hàng ngày.