Chú thích ảnh

Người nhập cư tìm đường sang Anh bằng xe tải. Ảnh:Daily Mail

Vương quốc Anh là nền kinh tế phát triển lớn thứ 5 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người trên 44.000 USD/năm và mức lương tối thiểu trên 8 bảng (230.000 đồng) mỗi giờ. Do đó, đây được xem là “miền đất hứa” đối với nhiều người ở các nước đang phát triển. Họ tìm mọi cách tới Anh với hy vọng "đổi đời" bất chấp việc Chính phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp. 

Trong những năm qua, các cơ quan quản lý Anh đã phát hiện, theo dõi và bóc gỡ nhiều đường dây tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp tới Anh. Gần đây nhất, ngày 18/3/2019, đối tượng Egert Kajaci, 35 tuổi, đã bị kết án 4 năm rưỡi tù giam do bị bắt quả tang khi đang lái ô tô chở một số người nhập cảnh trái phép vào Anh từ ngày 3/8/2018.

Cảnh sát cho biết đối tượng Kajaci là thành viên một đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Anh, hoạt động của nhóm này chủ yếu diễn ra từ tháng 4 đến tháng 8 năm ngoái. Cả 7 thành viên của băng nhóm buôn người này đã bị kết án tổng cộng hơn 30 năm tù vì tội "âm mưu đưa các công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh", trong đó có cả người Việt Nam. 

Thuê các đường dây tổ chức đưa người vào Anh một cách bất hợp pháp là một trong những con đường mà những người muốn tìm cách "đổi đời" lựa chọn. Những người này có thể sẽ mất một vài tháng, thậm chí là lâu hơn và phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, luôn phải trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý các nước để di chuyển bằng đường bộ từ Nga, các nước Đông Âu qua Đức, đến Pháp. Từ Pháp, những người này phải trốn trong các xe tải hay các tàu thuyền để nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh.

Thẩm phán Robert Winstanley cho biết các đường dây nói trên luôn "coi thường sự an toàn" của những người được đưa bất hợp pháp vào Anh. Nhiều người sẽ phải làm việc không lương trong ít nhất 2 năm để trả nợ cho những kẻ buôn người.

Xin thị thực và nhập cảnh hợp pháp vào Vương quốc Anh rồi sau đó tìm cách trốn ở lại cũng là một con đường. Những năm gần đây, khi Việt Nam ngày càng hội nhập, hợp tác chính trị, ngoại giao, văn hóa và kinh tế với Anh ngày càng mở rộng, người Việt có thể dễ dàng đến Anh một cách hợp pháp để công tác, học tập, làm việc cũng như thăm thân và du lịch. Một số người Việt đã lợi dụng thực tế này để tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh.

Tuy nhiên, với khả năng quản lý chặt chẽ, cùng sự hỗ trợ của các trang thiết bị và công nghệ hiện đại như hệ thống camera giám sát dày đặc và công nghệ nhận diện bằng trí tuệ nhân tạo, không quá khó để các cơ quan chức năng của Anh tìm, bắt giữ và trục xuất người bỏ trốn trên cơ sở những dữ liệu sinh trắc học (ảnh, vân tay) đã có trong quá trình làm các thủ tục cấp thị thực và nhập cảnh.

Trong khi đó, một số người tìm cách lợi dụng kẽ hở của luật pháp nước sở tại, tìm kiếm và thuê người đã có quốc tịch Anh thực hiện kết hôn giả để bảo lãnh nhập cư vào Anh. Tuy nhiên, những người này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro do các cơ quan quản lý Anh thường xuyên kiểm tra, giám sát xem họ có sinh sống cùng với người có tên trong đăng ký kết hôn hay không hoặc nguy cơ bị “đối tác” đe dọa tống tiền, cưỡng ép quan hệ tình dục…

Dù đi theo con đường nào, những người nước ngoài tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh đều phải chi ra một số tiền lớn. Sau khi đã vào Anh, họ phải tìm kiếm công việc để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, trả nợ... Tuy nhiên, do không có giấy tờ hợp pháp nên họ thường không thể tìm kiếm được các công việc chính thức, được pháp luật bảo vệ và có thu nhập ổn định. Thay vào đó, họ phải làm các công việc nặng nhọc, bất hợp pháp và bị chủ sử dụng lao động bóc lột, trả công một cách rẻ mạt,...

Theo đánh giá của Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh (SOCA) công bố năm 2011, những người được đưa bất hợp pháp vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (31%), cưỡng bức lao động (22%), làm người giúp việc gia đình (11%) và làm các công việc phi pháp khác (17%)...

Bên cạnh nguy cơ bị bóc lột sức lao động, những người nhập cư bất hợp pháp cũng đối mặt với khả năng bị các cơ quan chức năng Anh bắt giữ, trục xuất. Cuối năm 2016, Cơ quan Di trú Anh đã thực hiện chiến dịch kiểm tra gần 300 cửa hàng làm móng tay và móng chân, bắt giữ 97 người lao động bất hợp pháp, trong đó có một số người Việt Nam. Các cơ sở này đã bị phạt 20.000 bảng cho mỗi trường hợp lao động không giấy tờ.

Để phối hợp ngăn chặn tình trạng người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh, trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm tới Anh tháng 11/2018, hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người.

Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh đã nhất trí hằng năm triển khai và duy trì các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác, thông tin nghiệp vụ trên các lĩnh vực về phòng, chống mua bán người, như: trao đổi thông tin, điều tra các vụ án, đường dây, băng nhóm tội phạm, truy bắt, bàn giao đối tượng và giải cứu, bảo vệ, hồi hương nạn nhân bị mua bán; tăng cường hợp tác đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tài chính, ngân hàng, rửa tiền và phòng, chống di cư bất hợp pháp. 

Hy vọng rằng những nỗ lực tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng hai nước sẽ ngăn chặn được tình trạng đưa người bất hợp pháp vào Anh.

Theo Baotintuc