Xử lý lượng khẩu trang đã qua sử dụng từ hàng trăm triệu cho tới hàng tỷ cái, đang là mối bận tâm khác của Trung Quốc, trong khi giới chức nước này đang cố khống chế tình hình dịch bệnh và hạn chế những thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra.

SCMP trích nhận định của các chuyên gia môi trường cho biết, những khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế, nhất là những thiết bị được sử dụng bởi các nhân viên y tế và người nhiễm virus corona nên được xử lý như rác thải y tế, và cần được khử trùng trước khi được mang đi tiêu hủy tại các lò thiêu đốt.

Trong khi rất khó xác định số lượng chính xác khẩu trang bị thải loại, một số thông tin từ giới truyền thông Trung Quốc cho biết, số lượng rác y tế tại thành phố Vũ Hán được thải ra lên tới 200 tấn/ngày. Và khi nhu cầu về khẩu trang tăng vọt trên khắp thế giới, các nhà sản xuất Trung Quốc đang sản xuất khoảng 116 triệu chiếc/ngày, tăng gấp 12 lần so với tháng trước, theo số liệu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đưa ra.

{keywords}
Rác thải y tế đang tạo ra thảm họa sinh thái tại Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Với hơn 80.000 người nhiễm và gần 3.000 ca tử vong vì virus Covid-19, người dân Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng rác thải y tế. Trong khi số lò thiêu rác thải y tế tại nước này không được công khai, các chuyên gia cho biết số lượng lò thiêu trên thực tế vẫn không thay đổi nhiều trong 10 năm qua.

Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết, một vấn đề nan giải khác hiện nay là phần lớn các khu xử lý rác thải y tế, vốn được xây dựng lên từ khi dịch SARS bùng nổ 17 năm về trước đã gần hết thời gian hoạt động.

Trung Quốc có khoảng hai triệu tấn rác thải y tế vào năm 2018. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa đưa ra một tiêu chuẩn về việc kiểm soát mức ô nhiễm cụ thể đối với rác thải y tế, nên hiện rác thải y tế chỉ được phân loại đơn giản là chất thải nguy hại.

Và điều này giải thích cho lý do vì sao các ngành chức năng tại thành phố Vũ Hán, nơi sinh sống của 11 triệu người đang bị ‘choáng ngợp’ bởi số lượng rác thải y tế được tạo ra trong vài tháng vừa qua.

Theo báo Nam phương Đô thị và nhiều hãng thông tấn khác, chỉ riêng trong ngày 24/2 vừa qua, thành phố Vũ Hán đã sản sinh ra hơn 200 tấn rác thải y tế, nhiều hơn lượng rác y tế thải ra hôm 19/2 tới hơn 109 tấn. Và số lượng rác trên vượt xa khả năng xử lý của cơ quan phụ trách việc thiêu hủy rác thải, khi chỉ có thể tiêu hủy khoảng 50 tấn/ngày.

{keywords}
Lượng rác y tế mỗi ngày tại Vũ Hán thải ra lớn hơn khả năng thành phố này có thể xử lý. Ảnh: Global Times

Chuyên gia về rác thải độc hại Eric Liu làm việc tại tổ chức Greenpeace cho biết, Trung Quốc đang thiếu hụt một lượng lớn các cơ sở xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế. “Khả năng xử lý chất thải ở Trung Quốc, đặc biệt là về chất thải y tế và chất thải nguy hại, chỉ đủ để đáp ứng cho nhu cầu hàng ngày, chứ đừng nói đến cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua”, ông Liu nói.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn Du Huanzheng thuộc Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải cũng tỏ ra quan ngại về khoảng cách cung-cầu ngày càng lớn trong việc xử lý rác thải y tế. Tuy nhiên, ông cũng cho biết hiện có một lượng lớn các cơ sở này chuẩn bị và đang được xây dựng.

“Việc xử lý chất thải y tế là một phần quan trọng của cuộc chiến chống lại dịch bệnh, và đây là lời cảnh tỉnh cho chính phủ nhằm thúc đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở mới, và nghiên cứu các công nghệ về mảng xử lý chất thải”, ông Du nói.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, việc dịch Covid-19 bùng phát có thể coi là ‘chất xúc tác’ để mở rộng lĩnh vực chất thải y tế và sẽ dẫn tới việc xây dựng nhiều cơ sở thiêu hủy rác thải hơn nữa. Việc đốt rác thải y tế hiện vẫn phổ biến tại Trung Quốc, mặc dù nhiều quốc gia khác đang dần loại bỏ cách xử lý này do có những lo ngại về sức khỏe lẫn mỗi trường.

Ngoài ra theo chuyên gia Eric Liu, khẩu trang y tế cũng nên chia làm ba loại. Trong khi khẩu trang y tế bị thải loại cần được xử lý tại một số cơ sở thiêu đốt riêng biệt, thì khẩu trang được người khỏe mạnh sử dụng có thể coi là rác thông thường, và chỉ cần tiêu hủy ở các lò công nghiệp.

Thách thức thật sự tới từ khẩu trang được dùng bởi những người cách ly tại gia hay những người có triệu chứng nhẹ. “Có một ‘khoảng xám’ cho loại khẩu trang đã qua sử dụng này, bởi nó không thuộc thảm quyền của các cơ quan y tế, nhưng cần được xử lý theo tiêu chuẩn của rác thải y tế”, ông Liu kết luận.

Tuấn Trần