Hãng thông tấn ABC trích dẫn hai nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho hay, hư hại do chim hoặc vật thể lạ gây ra với cảm biến góc lắp đặt bên ngoài máy bay trong lúc cất cánh có thể dẫn đến tình trạng dữ liệu sai lệch, làm kích hoạt hệ thống chống thất tốc (luồng khí đi qua cánh máy bay quá ít để tạo ra lực nâng) của Boeing 737 MAX 8, khiến máy bay chúi mũi xuống và cuối cùng là đâm xuống đất.

{keywords}
Hé lộ "thủ phạm" khiến Boeing 737 Max 8 gặp nạn thảm khốc

MCAS là hệ thống điều khiển bay đặc trưng của dòng Boeing 737 MAX, có khả năng vô hiệu hóa các nỗ lực của phi công trong lúc khắc phục tình trạng máy bay bị chúc mũi xuống phía dưới.

Cả hai nguồn tin thừa nhận, hệ thống MCAS đóng vai trò quan trọng trong vụ rơi máy bay chở khách Boeing 737 MAX 8, mang số hiệu ET302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines chỉ 10 phút sau khi cất cánh ngày 10/3 vừa qua.

Trước đó, các nguồn cung cấp tin cho Reuters và báo The Wall Street Journal cũng tiết lộ, cơ quan điều tra phát hiện, tổ lái trên chuyến bay ET 302 đã tuân thủ các hướng dẫn xử lý tình huống khẩn cấp do Boeing đề ra, nhưng họ vẫn không thể kiểm soát được chiếc Boeing 737 MAX 8.

Theo điều tra ban đầu, hệ thống MCSA đã tắt, bật ít nhất 4 lần trước khi máy bay rơi. Hiện vẫn chưa rõ hệ thống đã kích hoạt tự động hay dưới sự điều khiển của các phi công.

Cả Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan an toàn hàng không Pháp (BEA) đều ghi nhận những điểm giống nhau rõ ràng giữa vụ rơi máy bay ET302 với thảm kịch rơi máy bay Boeing 737 Max 8, mang số hiệu JT 610 của hãng hàng không Indonesia Lion Air hồi tháng 10/2018 khiến 189 người tử nạn.

Điều tra sơ bộ của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia từng cho thấy, hệ thống MCAS khiến máy bay Lion Air chúi mũi hơn 24 lần trước khi đâm xuống biển.

Hai sự cố kinh hoàng diễn ra liên tiếp trong vòng không đầy 6 tháng đã dẫn tới việc cấm bay Boeing 737 Max 8 trên toàn cầu và buộc nhà sản xuất Boeing phải nâng cấp phần mềm để hệ thống MCAS không liên tục kích hoạt rồi gây thảm họa.

Tuấn Anh